Vàng tăng “bốc đầu” áp lực lên tỷ giá, chứng khoán tuần tới ra sao?
Ngày 13/4, thông tin đến Báo Công Thương, chuyên gia Đinh Quang Hinh (Chứng khoán VnDirect) cho biết, thị trường chứng khoán đang chịu tác động từ 2 luồng thông tin trái chiều. Lạm phát tháng 3 tại Mỹ tăng vượt dự báo đã làm thị trường lo ngại về kịch bản Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ duy trì lãi suất điều hành lâu hơn nữa. Hiện tại, thị trường cho rằng đợt cắt giảm lãi suất điều hành sớm nhất của FED sẽ rời sang quý III/2024 thay vì kỳ vọng trước đó là vào tháng 6/2024.
Trong diễn biến hiện tại, nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi trong các nhịp hồi phục, ưu tiên quản trị rủi ro danh mục và chỉ trải lệnh mở mua với tỷ trọng nhỏ quanh các ngưỡng hỗ trợ xa. Ảnh minh họa/VGP |
Đồng thời, thị trường cũng giảm kỳ vọng số đợt cắt giảm lãi suất điều hành của FED trong năm 2024 về 1 - 2 lần thay vì kỳ vọng 3 lần trước đó. Có thể thấy rằng xác suất một số ngân hàng trung ương lớn (tiêu biểu là ECB) cắt giảm lãi suất sớm hơn FED đang tăng lên. Điều này sẽ khiến chỉ số đồng USD (DXY) tiếp tục duy trì sức mạnh trong những tháng tới, qua đó tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá trong nước.
Ngoài ra, giá vàng quốc tế lẫn trong nước vẫn duy trì đà tăng cũng làm tăng thêm áp lực lên tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước đang triển khai loạt giải pháp nhằm ổn định thị trường vàng, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, vấn đề tỷ giá là một rủi ro cần lưu ý của thị trường.
Ở chiều ngược lại thị trường chứng khoán đang được hỗ trợ khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I năm 2024 đã bắt đầu. Nhiều dự báo cho thấy tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết sẽ khá tích cực trong quý I năm nay do nền kinh tế phục hồi, lãi suất giảm và mức nền thấp của cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, một số ngân hàng thương mại đã có ước kết quả kinh doanh quý I này với tăng trưởng khá tích cực. Việc nhóm cổ phiếu trụ có thông tin hỗ trợ sẽ góp phần cải thiện tâm lý của thị trường.
Trong bối cảnh thị trường đang có 2 luồng thông tin trái chiều, nhiều khả năng các chỉ số chứng khoán sẽ giằng co trong biên độ hẹp trước khi một xu thế mới được xác lập.
“Các nhà giao dịch có thể mua vào khi các chỉ số chứng khoán về vùng hỗ trợ và bán ra khi tiến sát vùng kháng cự. Hiện hỗ trợ của VN-Index nằm trong vùng 1.230-1.250 điểm và vùng kháng cự sẽ trong khoảng 1.290-1.310 điểm", chuyên gia Đinh Quang Hinh khuyến nghị.
Dưới góc nhìn lạc quan, chuyên gia Chứng khoán Asean (Asean SC) cho rằng, việc thị trường tăng trở lại với dòng dẫn dắt cho thấy tín hiệu sớm cho một nhịp tăng bền vững. Trong phiên cuối tuần, thị trường tiếp tục tăng điểm với dòng tiền tham gia mạnh mẽ vào nhóm ngân hàng. Thanh khoản thị trường quay trở lại mốc 24.000 tỷ đồng. Diễn biến tăng điểm tương đối tích cực sau các nhịp kiểm định đầu tuần này, cấu trúc thị trường tích cực sau khi hầu hết các cổ phiếu đã có nhịp kiểm tra cung và dòng dẫn dắt quay trở lại giữ nhịp cho thị trường.
“Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư có thể mở mua thăm dò, thực hiện chiến lược đầu tư ngắn hạn trong giai đoạn này”, chuyên gia Asean SC nhận định.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, thị trường chứng khoán là “hàn thử biểu” của nền kinh tế. Thị trường chứng khoán gần đây giao dịch giằng co nhưng có nhiều tín hiệu cho thấy sự hồi phục. Điều này cho thấy nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như việc tăng cường đầu tư công, giảm thuế, cải cách thủ tục hành chính… của Chính phủ đã phát huy tác dụng tích cực.
Theo chuyên gia, nếu nền kinh tế tiếp tục phục hồi và có sự tăng trưởng, dòng tiền đầu tư vào thị trường chứng khoán có thể có diễn biến tích cực hơn trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần tiếp tục theo dõi tin tức thị trường để có cái nhìn tổng thể và có chiến lược đầu tư phù hợp.
Báo cáo của VnDirect cho thấy, chỉ số VN-Index đầu tuần giằng co quanh ngưỡng 1.250 điểm với HPG (+0,51%) khi ghi nhận doanh thu bán hàng quý I/2024 tăng 50,1%. Đáng chú ý, phiên đầu tuần cũng là ngày đáo hạn của lô tín phiếu 28 ngày được Ngân hàng Nhà nước phát hành trong phiên 11/3 vừa qua. Thị trường tăng hơn 12 điểm vào phiên 9/4, chấm dứt chuỗi giảm điểm liên tiếp trong 4 ngày, nổi bật với MWG tăng trần khi thông báo bán 5% vốn Bách Hóa Xanh cho nhà đầu tư Trung Quốc.
VN-Index điều chỉnh vào phiên 10/4 khi giá vàng thế giới lập đỉnh lên 2.365 USD/oz, trong đó lực bán tập trung vào nhóm cổ phiếu ngân hàng. Sau khi Mỹ ghi nhận số liệu lạm phát tăng cao hơn dự báo ở mức 3,5% so với cùng kỳ trong ngày 11/4, chỉ số DXY tăng hơn 1% lên quanh ngưỡng 105,2 điểm và thị trường chuyển kỳ vọng FED hạ lãi suất lần đầu sang tháng 9. Tuy nhiên đã phục hồi về quanh ngưỡng tham chiếu khi lực cầu bắt đáy và khối ngoại mua ròng hơn 50 tỷ VND.
Đến phiên 12/4 ghi nhận sự tích cực lan tỏa toàn thị trường khi VN-Index tăng hơn 18 điểm khi Ủy ban Chứng khoán làm việc với FTSE Russell và Morgan Stanley bàn về công tác nâng hạng thị trường.
Kết tuần, VN-Index tăng 1,7% lên 1.276,6 điểm, HNX tăng 0,7% lên 241,34 điểm và UPCOM tăng 0,6% lên 90,21 điểm.
Theo báo cáo phân tích mới nhất của SSI Research, dòng tiền đầu tư vào các tài sản tài chính khả quan trong quý I/2024, đặc biệt là vào quỹ cổ phiếu khi số liệu kinh tế và kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp niêm yết. Tuy vậy, SSI Research vẫn duy trì quan điểm cho rằng, sức hấp dẫn của thị trường cổ phiếu khó đem lại sự bứt phá, nhất là trong bối cảnh tỷ giá đang gặp nhiều áp lực, trừ trường hợp các giải pháp giúp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam được thực hiện quyết liệt hơn nữa. Tuy nhiên, dòng tiền đầu tư vào thị trường có thể có diễn biến tích cực hơn trong nửa cuối năm nay, khi được hưởng lợi từ dòng tiền chuyển dịch sang thị trường đang phát triển, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu cắt giảm lãi suất.
|