Chứng khoán tuần tới dưới góc nhìn chuyên gia: Thị trường tích lũy, thận trọng xuống tiền
Thông tin đến Báo Công Thương, chuyên gia chứng khoán Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường VnDirect - cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục gặp khó tại vùng kháng cự mạnh 1.240 - 1.250 điểm trong tuần tới. Trong bối cảnh mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2023 đã qua đi, thị trường đang tiến vào vùng trống thông tin.
"Sau một giai đoạn tăng giá kéo dài và trước việc thiếu vắng thông tin hỗ trợ, chúng tôi cho rằng thị trường cần một nhịp nghỉ để tích lũy và thiết lập mặt bằng giá mới. Do đó, thị trường khó có thể thiết lập xu hướng rõ rệt trong một vài tuần tới", ông Đinh Quang Hinh nhận định.
Chuyên gia chứng khoán Đinh Quang Hinh. Ảnh: VND |
Vẫn theo chuyên gia VnDirect, trong bối cảnh điểm số lình xình, dòng tiền đầu cơ có thể liên tục luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu, hình thành các nhịp tăng, điều chỉnh ngắn. Nhà đầu tư nên hạn chế bị cuốn theo những biến động ngắn hạn vì rủi ro đưa ra quyết định sai sẽ tăng lên khi liên tục đưa ra các quyết định trong một khoảng thời gian ngắn.
"Ở thời điểm hiện tại, đối với các nhà đầu tư có giá vốn thấp thì hoàn toàn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu trong danh mục, chỉ xem xét chốt lời đối với những cổ phiếu đã tăng nóng. Đối với những nhà đầu tư mới bán ra và đang nắm giữ tiền mặt cũng chưa cần thiết phải giải ngân mua lại ngay mà chờ các nhịp điều chỉnh trong tuần để giải ngân dần nhằm tạo lợi thế nhờ giá vốn cạnh tranh", chuyên gia khuyến nghị.
Trong khi đó, dưới góc nhìn lạc quan, các chuyên gia đến từ Chứng khoán Asean (Asean SC) nhận định việc thị trường phiên cuối tuần ghi nhận tăng điểm khá với giá đóng cửa ở mức gần cao nhất trong ngày, trong bối cảnh thanh khoản tăng nhẹ, cho thấy bên mua đang có dấu hiệu mạnh lên và đà giảm tạm thời chững lại.
Asean SC kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục có quán tính tăng điểm trong phiên tới.
"Dự báo trong phiên giao dịch tới, chỉ số VN-Index sẽ có quán tính tăng điểm trong phiên sáng để kiểm định vùng kháng cự gần 1.235 – 1.240 điểm và xa hơn là vùng kháng cự 1.245 – 1.250 điểm. Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao khiến VN-Index thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày", chuyên gia Asean SC nhận định.
Tương tự, chuyên gia Chứng khoán Đông Á (DAS) cho rằng, thanh khoản cao vẫn là nét nổi bật của thị trường, tổng giá trị khớp lệnh duy trì trên tỷ USD mỗi phiên. Chỉ số tạm ngừng tăng do nhóm cổ phiếu lớn phân hóa, nhưng kéo giảm bởi nhóm ngân hàng. Trong khi đó cổ phiếu thép và bất động sản cũng chịu áp lực chốt lời.
Lãi suất tiết kiệm duy trì ở mức thấp và các kênh đầu tư khác chưa sôi động làm cho dòng tiền chuyển sang kênh chứng khoán, với số lượng tài khoản mở mới tháng sau cao hơn tháng trước.
VN-Index đã lên mức cao nhất 11 tháng qua và có thể giằng co giữa tâm lý lạc quan của dòng tiền mới với hoạt động cơ cấu danh mục của nhóm nhà đầu tư tổ chức.
"Chiến lược giao dịch ngắn hạn có thể dùng một phần tỷ trọng tài khoản để giao dịch theo xu hướng trên nhóm chứng khoán, bất động sản, vật liệu xây dựng. Đối với danh mục đầu tư trung dài hạn, nắm giữ đa dạng các cổ phiếu đầu ngành nhóm bất động sản, ngân hàng, công nghệ, bán lẻ, sản xuất hàng tiêu dùng và xây dựng hạ tầng", chuyên gia DAS khuyến nghị.
Đà tăng tích cực cuối tuần trước tiếp tục duy trì trong 2 phiên đầu tuần này và giúp chỉ số VN-Index chốt phiên khá cao trong phiên giao dịch ngày 8/8. Nhưng hoạt động chốt lời gia tăng cùng với những thông tin kém khả quan liên quan tới nguy cơ giảm phát tại Trung Quốc và lạm phát tại Mỹ nhích tăng trở lại trong tháng 7 đã khiến các chí số chứng khoán rung lắc mạnh trong 2 phiên sau đó. Chỉ số VN-Index lùi về mức thấp nhất tuần tại 1,213,4 điểm. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch cuối tuần, nhờ lực kéo từ các cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là cổ phiếu VIC sau thông tin tích cực liên quan tới việc niêm yết tại thị trường chứng khoán Mỹ, đã giúp chỉ số VN-INDEX phục hồi và chốt tuần tăng điểm. Kết tuần, chỉ số VN-Index đóng cửa tại mức 1.232,2 điểm, tăng nhẹ 0,5% so với đầu tuần. Trong khi đó, HNX-Index tăng 1,2% lên 245,3 điểm và UPCOM-Index tăng 1,7% lên 93,3 điểm. Tuần này chứng kiến sự phân hóa giữa các ngành với các nhóm bất động sản, thép tăng điểm tích cực trong khi nhóm hóa chất và xây dựng điều chỉnh. Thanh khoản tuần này giảm nhẹ với giá trị giao dịch bình quân của 3 sàn đạt 26.329 tỷ đồng (giảm 1% so với tuần trước). Tuần này, khối ngoại quay sang bán ròng lần lượt 733 tỷ đồng và 50 tỷ đồng trên HOSE và HNX trong khi đó mua ròng mạnh trên UPCOM với giá trị 990 tỷ đồng. Tổng cộng, khối ngoại mua ròng 209 tỷ đồng trên cả ba sàn. |