Văn hoá uống: Câu chuyện từ cá nhân đến cộng đồng
Lý do cần kiểm soát chặt chẽ đồ uống có đường Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường có thể gây "tổn thương" lớn? Doanh nghiệp ngành đồ uống chủ động mô hình kinh tế tuần hoàn |
Xây dựng văn hóa uống có trách nhiệm trên nhiều góc độ còn là một cách thức giúp quảng bá, nâng cao hình ảnh quốc gia theo chia sẻ của TS. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu Nước giải khát Việt Nam (VBA).
Uống rượu bia là nét văn hóa truyền thống lâu đời ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, nét đẹp về văn hoá uống ngày xưa đã phân nào bị mai một khi có một bộ phận hiểu sai về văn hóa uống rượu bia gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí dẫn tới những hệ lụy không đáng có.
Hội thảo “Văn hóa uống và trách nhiệm với cộng đồng” do Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam và Tạp chí Đồ uống Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực, phát huy tốt vai trò truyền thông về ngành đồ uống Việt Nam, vì sự phát triển bền vững của ngành.
TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA phát biểu tại hội thảo |
Theo ông Nguyễn Văn Chương, Phó Tổng biên tập Tạp chí Đồ uống Việt Nam, văn hóa uống rượu của người Việt Nam rất khác với văn hóa uống rượu của người nước ngoài nói chung. Có một bộ phận hiểu sai về văn hóa uống, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí dẫn tới những hệ lụy không đáng có. Cho nên, muốn giữ gìn nét đẹp văn hóa này cần phải có sự chừng mực, uống có trách nhiệm, uống văn minh, lấy niềm vui là chính, không thúc ép và “hơn thua trên bàn tiệc”.
Chủ tịch VBA Nguyễn Văn Việt nhìn nhận uống có văn hóa, có trách nhiệm là có trách nhiệm với chính bản thân người uống, với gia đình, xã hội và với luật pháp. Cả xã hội cần phải thực thi việc uống có trách nhiệm để tránh những hệ lụy xấu. Theo đó, kiến nghị chính sách phòng, chống lạm dụng đồ uống có cồn cần thực hiện tốt các quy định về an toàn giao thông (các hình thức xử phạt, luật giao thông đường bộ…).
Nhà sử học Dương Trung Quốc thì cho rằng, để uống có văn hóa, đặc biệt bảo đảm an toàn giao thông, ngoài việc tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi còn phải có chế tài đủ mạnh nhằm xử lý những trường hợp vi phạm. Ngày xưa coi uống rượu là lễ nghĩa, còn hiện nay, nhiều người uống có vẻ thoải mái, lạm dụng.
Các chuyên gia dự hội thảo |
Trong những năm qua ngành đồ uống Việt Nam phát triển mạnh, với những sản phẩm có thương hiệu, phong phú, đẩy lùi hàng nhập lậu và góp phần vào tăng giá trị xuất khẩu, với tổng giá trị sản xuất lớn, đem lại nhiều đóng góp cho nền kinh tế và xã hội.
Ngành tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng triệu lao động, đóng góp khoảng 3,2% tổng thu ngân sách nhà nước, thúc đẩy nhiều lĩnh vực khác trong chuỗi cung ứng bao gồm nông nghiệp, kho vận, cơ khí, hóa sinh, bao bì, dịch vụ.
Đặc biệt trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế (2022-2023), ngành đồ uống là một nhân tố quan trọng để phục hồi và phát triển dịch vụ du lịch (bao gồm lưu trú và ăn uống).
Tuy nhiên, sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 kéo dài, hiện nay, ngành đồ uống đang phải chống chịu với nhiều khó khăn trong bối cảnh mới. “Năm 2023 được dự báo ngày càng có nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp ngành đồ uống. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có điều kiện phục hồi, phát triển, các doanh nghiệp trong ngành đồ uống mong muốn Nhà nước chưa nên xem xét tăng thuế tiêu thụ đặc biệt”, TS. Nguyễn Văn Việt nói.