Tỷ giá USD tiếp tục tăng “chóng mặt”: Liệu có đáng lo?
Tỷ giá USD tăng là chuyện bình thường
Cụ thể, cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước hôm nay, ngày 23/3, tỷ giá trung tâm VND/USD công bố điều chỉnh mức 24.003 đồng, tăng 4 đồng so với phiên giao dịch ngày 22/3. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm VND/USD ngày 1/1/2024 là 23.866 đồng. Như vậy, so với phiên giao dịch đầu năm, tỷ giá đã tăng 137 đồng, tương đương tăng 0,57%.
Bên cạnh đó, cập nhật sáng nay, tỷ giá được phép giao dịch của các ngân hàng thương mại dao động từ 23.400 – 25.153 VND/USD.
Tỷ giá USD từ đầu năm đến nay tăng cao. Ảnh: investopedia |
Tỷ giá USD ngân hàng, tỷ giá ngoại tệ và giá đô trong nước vào sáng nay ghi nhận hàng loạt động thái điều chỉnh tăng tại các ngân hàng. Cụ thể, Vietcombank có mức mua vào là 24.580 đồng và mức bán ra là 24.950 đồng, giữ mức tăng 40 đồng so với phiên giao dịch ngày 22/3. Giá mua và bán USD hiện tại nằm trong khoảng từ 23.400 - 25.300 đồng.
Ngoài ra, tỷ giá tại chợ đen cập nhật lúc 5h sáng là 25.505 đồng (giá mua) và 25.565 đồng (giá bán). Dù tỷ giá tăng cao nhưng các chuyên gia đánh giá đây là chuyện bình thường, không đáng lo, chỉ một vài tuần tỷ giá sẽ suy giảm.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết, do nhu cầu về USD, giá vàng Việt Nam những ngày qua lên cao, lãi suất ngân hàng thấp… nhiều người đổ xô đầu tư vào vàng, USD nên tỷ giá USD tăng cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và người dân không nên quá lo lắng.
“Chỉ trong 1 vài tuần, tỷ giá USD sẽ xuống vì Ngân hàng Nhà nước chủ động theo dõi và điều chỉnh tỷ giá hối đoái, để giữ sự ổn định (dao động 2-3%)”, chuyên gia giải thích.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá, hiện tại đồng tiền Việt Nam mất giá khá nhanh so với đồng Đô la Mỹ, tuy nhiên, điều này là bình thường.
“Tỷ giá có sự khác nhau phản ánh xu hướng quản lý lãi suất khác nhau giữa Việt Nam và Mỹ. Bởi Mỹ có xu hướng tăng lãi suất và giữ nguyên mức lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát, trong khi tại Việt Nam, mức lãi suất suy giảm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển và duy trì động lực kinh tế”, chuyên gia giải thích.
Vì vậy, về nguyên tắc, khi thực hiện chính sách này sẽ giúp tăng lượng tiền lưu thông, tăng tỷ giá và đồng thời khiến giá trị đồng tiền Việt suy giảm.
Doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng thế nào?
Dù tỷ giá tăng lên từ đầu năm, duy trì trong khoảng nhất định (chỉ số DXY dao động từ 103–104 điểm) và được đánh giá là điều bình thường nhưng điều đó cũng tác động đến các doanh nghiệp nói riêng (đặc biệt với doanh nghiệp nhập khẩu) và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Phân tích về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh nhiều doanh nghiệp của chúng ta phải nhập nhiều nguyên nhiên vật liệu, máy móc từ nước ngoài nên chịu mức giá cao. Mặt khác, với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa giai đoạn này sẽ được giá. Do đó, việc tăng xuất khẩu đủ bù tăng của nhập khẩu.
Tỷ giá USD tăng cao, doanh nghiệp Việt chịu tác động 2 mặt. Ảnh minh họa |
Cùng bàn luận về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho biết, tỷ giá USD tăng cao tác động 2 mặt tới doanh nghiệp cũng như kinh tế Việt Nam.
Sự bùng nổ của du lịch, du lịch nước ngoài đến Việt Nam giúp tăng lượng cầu ngoại tệ và xuất khẩu thuận lợi, được giá. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp vay bằng ngoại tệ, nhập khẩu nguyên liệu sẽ trả với mức giá cao, đắt đỏ, thiệt hại cho doanh nghiệp.
Nhìn xa hơn, nó sẽ tác động đến sự ổn định của đồng tiền, tác động đến kỳ vọng lạm phát, sự khan hiếm ngoại tệ tương đối và ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế (đồng tiền mất giá nhiều hơn so với Đô la Mỹ, sức cạnh tranh môi trường đầu tư kém hơn).
Về phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp ngành thép, điều, may mặc… cho biết, chi phí nhập khẩu nguyên liệu đều bị đội lên đáng kể vì tỷ giá tăng.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, doanh nghiệp thép đang phải đối mặt với tình trạng nguyên liệu nhập khẩu (quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc…) tăng cao. Trong khi đó, Hiệp hội Điều, Hiệp hội Thủy sản Việt Nam cũng phản ánh tình trạng tương tự.
Trước tình trạng này, các chuyên gia cũng đưa ra một số giải pháp, đề xuất như: Khi ký hợp đồng, doanh nghiệp nên lựa chọn những đồng tiền thanh toán có lợi cho mình, không mất giá tương lai; sử dụng biện pháp phòng ngừa rủi ro, nếu chưa cần gấp có thể đợi tỷ giá USD xuống, ổn định; thường xuyên cập nhật các chính sách…
Nắm bắt tình hình thị trường trong nước và quốc tế, mặt bằng tỷ giá, chênh lệch lãi suất và quốc tế, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố Dự bảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2021/TT-NHNN ngày 31/3/2021 hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối. Theo đó, tỷ giá kỳ hạn giữa Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ trong giao dịch kỳ hạn, giao dịch kỳ hạn trong giao dịch hoán đổi do các bên tham gia giao dịch thỏa thuận và phù hợp với quy định do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành trong từng thời kỳ. Như vậy, cơ sở xác định tỷ giá kỳ hạn giữa Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ trong giao dịch kỳ hạn, giao dịch kỳ hạn trong giao dịch hoán đổi sẽ không quy định cụ thể tại Thông tư mà được quy định tại quyết định do Thống đốc NHNN ban hành trong từng thời kỳ. Nội dung sửa đổi, bổ sung này tăng tính linh hoạt, chủ động trong điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá trước những thay đổi điều kiện thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời phù hợp với nguyên tắc tương tự như tỷ giá trung tâm và biên độ tỷ giá cũng được quy định tại các Quyết định do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành trong từng thời kỳ. |