Truyền thông nâng cao nhận thức về chuyển dịch năng lượng: Cần coi trọng tiếng nói người dân
Hội thảo do đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) thuộc Văn phòng Dịch vụ Dự án Liên hợp quốc (UNOPS) phối hợp với Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức.
Chương trình có sự tham dự của hơn 200 đại biểu trực tiếp và trực tuyến là các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các đại diện của một số cơ quan bộ ngành, tổ chức nghề nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, các cơ quan báo chí ở trung ương và Hà Nội.
Quang cảnh hội thảo truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng. Ảnh: BTC |
Chương trình hướng đến mục tiêu đặt người dân làm trung tâm, bảo đảm rằng mọi chủ thể trong xã hội tham gia tích cực, chủ động vào quá trình chuyển dịch năng lượng, một nội dung quan trọng của tăng trưởng xanh mà Chính phủ Việt Nam đang hướng tới, và cũng là yếu tố tiên quyết hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chương trình dự kiến được thực hiện trong 15 tháng.
Tại Hội thảo, ông Hoàng Dự, Tổng biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật, Trưởng nhóm tư vấn của Chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng cho biết, chương trình truyền thông của này không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức; mà còn nhằm mang lại những giá trị thiết thực, gây được tiếng vang trong công chúng và lan tỏa những hành động đẹp, những câu chuyện hay về chuyển dịch năng lượng, tạo điều kiện cho đối thoại, học hỏi lẫn nhau và chia sẻ kinh nghiệm, từ đó thúc đẩy niềm tin và sự tham gia của công chúng đối với các chính sách liên quan đến chuyển dịch năng lượng trong cộng đồng.
“Chúng tôi cũng áp dụng truyền thông tương tác theo hướng tiếp cận hai chiều – khuyến khích sự phản hồi của khán giả, nhằm tăng cường đối thoại và trao đổi về chuyển dịch năng lượng”, ông Hoàng Dự nói.
Theo bà Nguyễn Ngọc Thủy, Điều phối viên quốc gia ETP UNOPS, một mục tiêu quan trọng khác của chương trình là thông tin cho công chúng về các khía cạnh khác nhau của chuyển dịch năng lượng; Giúp người dân hiểu sâu sắc vai trò của họ trong quá trình chuyển đổi năng lượng cũng như các hành động đóng góp mang tính thiết thực nhất; Khuyến khích người dân chủ động tham gia các hoạt động liên quan đến quá trình chuyển đổi năng lượng.
“Trong chương trình này, tiếng nói của cộng đồng, bao gồm các nhóm bị ảnh hưởng đa chiều bởi quá trình chuyển dịch năng lượng và nhóm xuất hiện giới hạn trong các câu chuyện liên quan đến chuyển dịch năng lượng, sẽ được lắng nghe cũng như đề cao. Từ đó đem đến những thay đổi tích cực trong cộng đồng”, bà Nguyễn Ngọc Thủy nhấn mạnh.
Cũng tại Hội thảo, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, việc truyền thông để nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng rất quan trọng vì tạo sự thấu hiểu và ủng hộ; khuyến khích hành động cá nhân và cộng đồng; huy động nguồn lực và đầu tư; tác động đến chính sách công; phản ứng trước các thách thức và rủi ro…
Một số chuyên gia tại hội thảo nêu ý kiến cần làm rõ hơn bản chất của chuyển dịch năng lượng, có các khảo sát đánh giá cần thiết để có sản phẩm truyền thông phù hợp. Đặc biệt cần coi trọng ý kiến người dân, nhất là các nhóm yếu thế bởi theo số liệu đưa ra tại Hội thảo, trong các tác phẩm báo chí truyền thông về chuyển dịch, chuyển đổi năng lượng có đến 50% lượng ý kiến đến từ các cơ quan nhà nước và chỉ có 10% ý kiến là của người dân.
Tại hội thảo, ban tổ chức đã tiến hành hoạt động khảo sát lấy ý kiến trực tiếp các khách mời và đại biểu về những nội dung, chủ đề tiềm năng có thể triển khai liên quan đến quá trình chuyển dịch năng lượng, qua đó đóng góp vào sự thành công trong giai đoạn triển khai chương trình sắp tới, nhằm bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả và tính bền vững của hoạt động truyền thông.