Tiêu thụ xi măng trầm lắng
Tiêu thụ xi măng nội địa ổn định, xuất khẩu bứt phá Tiêu thụ xi măng sẽ vượt xa so với kế hoạch Dư nguồn cung, xuất khẩu xi măng sụt giảm |
Từ đầu năm đến nay, tiêu thụ xi măng ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu đều giảm do chịu tác động từ suy giảm kinh tế, giải ngân đầu tư công chậm, thuế xuất khẩu clinker tăng lên gấp đôi và nội tại ngành dư thừa công suất…
Các doanh nghiệp xi măng đang rất trông đợi các dự án cao tốc sẽ đẩy mạnh triển khai để tăng mức tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa. Ảnh: Đ.T |
Tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu đều giảm
Trong 5 tháng qua, tình hình tiêu thụ xi măng, clinker tiếp tục bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bên trong lẫn bên ngoài.
Tại thị trường nội địa - nơi hấp thụ trên 60 triệu tấn xi măng, clinker mỗi năm - tiến độ giải ngân vốn đầu tư công khá ì ạch; nhiều công trình, dự án chậm triển khai, phải giãn/hoãn tiến độ vì gặp khó khăn về nguồn vốn…, khiến đầu ra của doanh nghiệp xi măng gặp khó. Ước tính, sản lượng tiêu thụ nội địa 5 tháng đầu năm giảm 6% so với cùng kỳ năm 2022.
Kênh xuất khẩu cũng không khả dĩ hơn. Tình hình tiêu thụ khó khăn tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Bangladesh, Philippines… khiến sản lượng và kim ngạch xuất khẩu xi măng của Việt Nam sụt giảm kỷ lục. Qua 5 tháng, các doanh nghiệp xi măng mới xuất bán được 13,65 triệu tấn, trị giá 590 triệu USD, giảm lần lượt 12% và 12,4% so với cùng kỳ năm trước.
Sau năm 2022 tiêu thụ không khả quan, các chỉ tiêu sản xuất, bán hàng, lợi nhuận đều sa sút, lúc này, hầu hết các doanh nghiệp xi măng đều rất sốt ruột với tình hình bán hàng.
Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Xi măng The Vissai xác nhận: “Chưa bao giờ bán hàng mệt như lúc này. Tiêu thụ trong tháng 5 sụt giảm 30% so với tháng 4 và tháng 6 này tiếp tục đối diện với khó khăn, nhất là nhiều địa phương phía Bắc đang bước vào mùa thu hoạch nông sản, nên nhu cầu tiêu thụ xi măng rất thấp. Xuất khẩu cũng giảm theo đà giảm chung của các ngành hàng”.
Số lượng công trình khởi công mới rất hạn chế, các dự án bất động sản chưa thực sự khởi sắc khiến sức tiêu thụ xi măng tại nhiều địa phương như Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, vốn đã dư thừa sản lượng, nay càng trầm lắng.
Năm 2023, các công ty như Xi măng Long Sơn, Xi măng Xuân Thành, Xi măng Đại Dương, Xi măng Long Thành đều có dây chuyền sản xuất mới đi vào hoạt động, đưa nguồn cung xi măng của toàn ngành lên khoảng 120,7 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước dự báo chỉ ở mức 63 - 65,5 triệu tấn; kênh xuất khẩu cũng chỉ đạt khoảng 30 triệu tấn. Như vậy, nguồn cung xi măng tiếp tục vượt cao so với nhu cầu.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 5 tháng qua, số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới chỉ có 1.744 đơn vị, giảm tới 61,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, số doanh nghiệp bất động sản giải thể là 554 đơn vị, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước.
Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn. Hiện nhiều doanh nghiệp phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý; phần lớn doanh nghiệp phải tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Tiêu thụ xi măng qua kênh dân sinh cũng rất chậm do tình hình kinh tế khó khăn, nhiều gia đình tạm thời hoãn xây dựng, sửa chữa nhà cửa, tác động trực tiếp đến hoạt động bán hàng của các doanh nghiệp trong ngành.
Chờ đợi dự án cao tốc
Năm 2022, tổng sản lượng tiêu thụ xi măng tại thị trường trong nước chỉ đạt gần 63 triệu tấn (tương đương năm 2021), còn xuất khẩu đạt 30 triệu tấn (giảm 15 triệu tấn so với 2021). Tiêu thụ xi măng chững lại do chu kỳ đi xuống của thị trường bất động sản, cộng với việc giải ngân tại các công trình đầu tư công còn chậm, khiến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp xi măng bị ảnh hưởng đáng kể.
Đến nay, gần nửa năm 2023 đã đi qua với sự trầm lắng trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ của các doanh nghiệp xi măng.
Ông Đinh Quang Dũng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) cho hay, giá đầu vào sản xuất xi măng tiếp tục tăng lên khi giá điện đã tăng thêm 3%, giá than vẫn duy trì ở mức cao, nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không khỏi bị ảnh hưởng.
“Với tình hình này, kết quả kinh doanh 6 tháng không thể đạt mục tiêu đề ra, không tiêu thụ hết năng lực sản xuất, tồn kho nhiều, cả xi măng, clinker”, đại diện Vicem dự báo.
Trên thực tế, từ cuối năm 2022, đối mặt với những diễn biến thị trường không thuận, một số nhà máy xi măng đã giảm công suất, còn tại thời điểm này, số nhà máy phải cho công nhân nghỉ việc hoặc dừng sản xuất nhiều hơn.
Ngoài vấn đề tiêu thụ khó, chi phí sản xuất tăng, các doanh nghiệp còn lo tình trạng cắt điện gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, bán hàng.
“Điều chúng tôi lo lắng nhất là thiếu điện, dẫn đến cắt điện luân phiên. Ninh Bình đã cắt điện luân phiên, có những ngày cắt điện khoảng 3 - 4 tiếng thì sản xuất ngưng trệ và nghiêm trọng hơn là chúng tôi không thể xuất hàng được”, lãnh đạo một nhà máy xi măng tại Ninh Bình chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện hầu hết doanh nghiệp xi măng đều nhận định, kết quả kinh doanh năm 2023 sẽ kém hơn nhiều so với năm ngoái.
Hiện nay, điều mong đợi lớn nhất của các nhà sản xuất xi măng là hệ thống đường cao tốc khởi động để có “cửa” tăng tốc tiêu thụ tại thị trường nội địa, bởi kênh xuất khẩu đang rất khó khăn. Cụ thể, thị trường Trung Quốc giảm nhập khẩu clinker từ Việt Nam, xuất khẩu sang một số thị trường chủ lực như Philippines, Bangladesh bị thuế phòng vệ thương mại…
Đánh giá triển vọng năm 2023, Công ty Chứng khoán SSI cũng dự báo, mức tiêu thụ xi măng trong nước sẽ đi ngang so với năm 2022 bởi thị trường bất động sản vẫn còn suy yếu, cộng thêm khó khăn từ nội tại ngành khi nguồn cung xi măng vượt cao so với nhu cầu.