Tiêu điểm kinh tế tuần qua: Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp nếu tỷ giá quá nóng
Giá vàng thế giới tăng tuần thứ ba liên tiếp
Giá vàng thế giới tuần qua ghi nhận tăng 5%, đưa thị trường chạm mức 2.350 USD/ounce. Cụ thể, giá vàng kỳ hạn tháng 6 chạm mốc cao mọi thời đại mới 2.350 USD/ounce và chốt tuần giao dịch ở mức 2.349,1 USD/ounce. Vàng giao ngay tăng hơn 1,5% lên mức 2.329,2 USD/ounce. Như vậy, kim loại quý này đã tăng gần 5% chỉ trong 1 tuần.
Đợt phục hồi của vàng trong phiên giao dịch cuối của tuần này diễn ra sau khi dữ liệu công bố mới nhất cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn rất vững chắc. Cụ thể, báo cáo của Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy nền kinh tế đầu tàu thế giới đã tạo ra 303.000 việc làm trong tháng 3, vượt xa kỳ vọng của thị trường. Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,8%. Bất chấp sự tăng trưởng việc làm mạnh mẽ, tiền lương tương đối im ắng với mức tăng 0,3%, phù hợp với kỳ vọng.
Giá vàng thế giới tuần qua tăng 5% (Ảnh minh họa) |
Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp nếu tỷ giá quá nóng
Tại buổi họp báo Chính phủ tuần qua, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, sẵn sàng can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết.
Theo ông Đào Minh Tú, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, cân đối ngoại tệ. Quý I/2024, vấn đề tỷ giá đồng Việt Nam vẫn tiếp tục “nóng” theo giá trị đồng đô la trên thế giới tăng mạnh, cộng với chính sách hạ lãi suất của Việt Nam đang giảm sâu, khiến chênh lệch lãi suất giữa USD và VND trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục âm. Bên cạnh đó, nhu cầu ngoại tệ phục vụ nhập khẩu cũng gia tăng, nhiều hơn...
Với sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá tại Việt Nam vẫn đang duy trì ổn định, đảm bảo được thị trường ngoại tệ thông thoáng, đảm bảo trạng thái ngoại tệ dương với các ngân hàng thương mại và nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho các doanh nghiệp và xuất nhập khẩu cũng như nhu cầu chung của nền kinh tế.
Hệ thống mạng của PVOIL bị tấn công
Ngày 2/4, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) có văn bản báo cáo khẩn gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan thông báo về việc hệ thống công nghệ thông tin của công ty bị tấn công mã hóa dữ liệu khiến hệ thống bị ngưng trệ, không phát hành được hóa đơn điện tử.
Cụ thể, vào 0 giờ ngày 2/4, hệ thống công nghệ thông tin của PVOIL bị tấn công bất hợp pháp có chủ đích theo hình thức mã hóa dữ liệu (ransomware).
Vụ việc này đã khiến hệ thống công nghệ thông tin của PVOIL bị ngưng trệ, trong đó có hệ thống phát hành hóa đơn điện tử. Vì vậy, việc phát hành hóa đơn điện tử phục vụ bán hàng của PVOIL tạm thời không thể thực hiện được.
Liên quan tới vụ việc này, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cho biết, PVOIL đã phối hợp với Bộ Công an xử lý theo pháp luật và có văn bản báo cáo các cơ quan chức năng nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như khắc phục sự cố trên trong thời gian sớm nhất.
Sau khi hệ thống được khắc phục hoạt động trở lại bình thường, PVOIL sẽ phát hành hóa đơn điện tử, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ và thực hiện các thủ tục khác theo đúng quy định hiện hành.
Đề xuất 6 nhóm chính sách khi xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất xây dựng luật, tên gọi dự kiến là Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế nhằm tạo điều kiện cho Việt Nam xây dựng những khu công nghiệp lớn đáp ứng yêu cầu phát triển chuỗi cung ứng cũng như phát triển kinh tế xanh theo định hướng hiện nay. Đây cũng nội dung được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung chia sẻ tại họp báo Chính phủ diễn ra tại Hà Nội ngày 3/4.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi Bộ Tư pháp để có ý kiến thẩm định, sau đó sẽ tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp để hoàn thiện đề xuất đối với việc xây dựng dự thảo luật này. Ở bước này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất 6 nhóm chính sách trong nội dung của luật, để đảm bảo làm sao thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, đáp ứng được các yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, nhưng đồng thời, cũng đáp ứng được xu thế vận động mới trên thế giới như kinh tế xanh, kinh tế số, tuần hoàn, năng lượng xanh...
Tuần giao dịch khởi sắc của thị trường dầu thế giới
Giá dầu thế giới khép lại tuần qua với mức tăng mạnh, giữa bối cảnh thị trường đang theo dõi nguy cơ xung đột trực tiếp giữa Israel và Iran, nhân tố có thể thắt chặt hơn nữa nguồn cung dầu.
Giá dầu ngọt nhẹ (WTI) chạm mức cao nhất 5 tháng và giá dầu Brent Biển Bắc tăng trên ngưỡng 90 USD/thùng trong tuần qua, khi thị trường kỳ vọng rằng tăng trưởng kinh tế ở Mỹ và Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ, trong khi nguồn cung bị thắt chặt do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cắt giảm sản lượng và hoạt động của các nhà máy lọc dầu của Nga đình trệ.
Cả hai hợp đồng dầu này đều đóng cửa phiên 4/4 ở mức cao nhất kể từ tháng 10/2023, với sự hỗ trợ từ căng thẳng địa chính trị gia tăng trong những ngày gần đây và rủi ro nguồn cung tiềm ẩn.