Tiêu điểm kinh tế tuần qua: Hàng không tổ chức các chuyến bay “xông đất” đầu năm
Hàng không tổ chức chuyến bay “xông đất” đầu năm
Ngày đầu năm mới Giáp Thìn, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam phối hợp với các địa phương tổ chức những chuyến bay "xông đất" với thông điệp chúc mừng năm mới tràn đầy năng lượng, niềm vui, hạnh phúc tới các hành khách; khẳng định cam kết của hãng luôn đồng hành cùng ngành Du lịch để mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho du khách.
Các chuyến bay VN 628 khởi hành từ Bangkok (Thái Lan), VN 157 khởi hành từ Hà Nội đã “xông đất” sân bay TP Đà Nẵng vào 6 giờ 45 phút và 7 giờ 15 phút ngày 10/2. Chuyến bay VN1340 từ TP Hồ Chí Minh hạ cánh tại sân bay quốc tế Cam Ranh lúc 8 giờ cùng ngày.
Hành khách trên các chuyến bay được tặng hoa, thưởng thức chương trình nghệ thuật và nhận những phần quà đầu năm ngay khi hạ cánh tại sân bay. Một số hành khách may mắn được tặng vé máy bay miễn cước tại sự kiện, được nhận lì xì giảm giá vé máy bay áp dụng cho tất cả hạng đặt chỗ. Chương trình được tổ chức mang đến không khí vui tươi, sôi động trong những ngày đầu xuân.
Sự kiện đón khách năm mới Giáp Thìn góp phần thúc đẩy ngành hàng không, du lịch, quảng bá văn hóa, hình ảnh, tinh thần hiếu khách của điểm đến. Đây cũng là hoạt động thường niên trong chương trình hợp tác phát triển kinh tế xã hội giữa hãng hàng không và các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Hương vị Tết trên chuyến bay "xông đất" đầu năm. Ảnh: Hanoimoi.vn |
Phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 161/QĐ-TTg ngày 6/2/2024 phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Quyết định, quy hoạch nhằm mục đích xây dựng lộ trình, kế hoạch triển khai lập, điều chỉnh quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh giai đoạn đến năm 2025 để cụ thể hóa nội dung quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tài nguyên nước).
Đồng thời cụ thể hóa các nhiệm vụ, chính sách, giải pháp và huy động nguồn lực gắn với trách nhiệm của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong việc triển khai thực hiện quy hoạch, phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung của Quy hoạch tài nguyên nước đã được phê duyệt hướng tới quản trị ngành nước trên nền tảng công nghệ số; Đảm bảo sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả quy hoạch tài nguyên nước.
Quyết định nêu rõ, xây dựng, duy trì vận hành hệ thống thông tin, mô hình toán để hỗ trợ ra quyết định điều hòa, phân phối nguồn nước trên các lưu vực sông: Bằng Giang - Kỳ Cùng, Hồng - Thái Bình, Mã, Cả, Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn - Hà Thanh, Ba, Sê San, Srêpốk, Đồng Nai, Cửu Long theo thời gian thực,…
Xuất khẩu cà phê tháng 1 năm 2024 tăng mạnh về lượng và kim ngạch
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tháng 1/2024, xuất khẩu cà phê đạt 230.000 tấn với giá trị đạt 623 triệu đô la Mỹ, tăng 61,6% về khối lượng và tăng 100,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, giá cà phê trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục tăng so với tuần trước. Tại các địa phương, cà phê đang được thu mua với giá trong khoảng 78.200-79.400 đồng/kg. Với xu hướng tăng giá như hiện nay, giá cà phê trong nước có khả năng sớm vượt mức 80.000 đồng/kg.
Tại Đắk Lắk, giá cà phê bình quân đạt 77.993 đồng/kg, tăng 5,22% so với tuần trước (tăng 3.867 đồng/kg) và tăng 81,92% so với cùng kỳ năm 2023. Tại Lâm Đồng, giá cà phê trung bình đạt 77.400 đồng/kg, tăng 5,39% so với tuần trước (tăng 3.960 đồng/kg) và tăng 82,81% so với cùng kỳ năm trước.
Mức giá thấp nhất hiện tại là 78.200 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng, cao hơn một chút là tỉnh Gia Lai với mức giá 78.900 đồng/kg. Hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông giao dịch quanh mức giá là 79.000 đồng/kg.
Xuất khẩu cà phê tăng mạnh về lượng và kim ngạch |
Thị trường gạo châu Á: Giá gạo Ấn Độ tăng kỷ lục tuần thứ tư liên tiếp
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ tiếp tục đà tăng tuần thứ tư liên tiếp, lên mức kỷ lục 542 - 550 USD/tấn trong tuần từ ngày 5 - 9/2. Theo các nhà quan sát, điều này có được là nhờ nguồn cung gạo vẫn rất hạn chế, trong khi nhu cầu liên tục giữ ở mức cao.
Một thương gia xuất khẩu có trụ sở tại thành phố Kolkata của Ấn Độ cho biết hoạt động xay xát gạo vụ mới đang được thực hiện, nhưng nguồn cung vẫn bị hạn chế do chính phủ tăng mua hàng dự trữ, và nhiều khả năng sẽ gia hạn lệnh hạn chế xuất khẩu gạo, từ nay cho tới cuộc bầu cử quốc gia vào cuối tháng 11/2024, để kiểm soát giá lương thực.
Trong bối cảnh đó, người mua sẽ chuyển sang tìm kiếm gạo từ Islamabad, có thể thúc đẩy xuất khẩu gạo của Pakistan, quốc gia láng giềng của Ấn Độ, tăng lên mức kỷ lục. Hiện giá gạo 5% tấm của nước này đang được bán ở mức cao nhất của gần 16 năm, khoảng 640 USD/tấn và giá gạo đồ khoảng 680 USD/tấn.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm của nước này đang được chào bán ở mức 630 USD/tấn, giảm so với mức 640 USD/tấn của tuần trước, do hoạt động thị trường chậm lại.
Ngày 7/2, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào ở mức 635 - 640 USD/tấn, không thay đổi so với một tuần trước. Một nhà giao dịch có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hoạt động giao dịch chậm lại trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024.
Phê duyệt các Đề án thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia năm 2024
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký Quyết định số 237/QĐ/BCT về việc phê duyệt các Đề án thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024.
Theo đó, để thực hiện hiệu quả Chương trình Thương hiệu Quốc gia năm 2024, Bộ Công Thương đã giao Cục Xúc tiến thương mại chủ trì, làm đầu mối tổ chức, quản lý sử dụng kinh phí, thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm tiến độ, hiệu quả theo đúng định mức, chế độ quy định hiện hành. Đồng thời, kiểm tra, giám sát tiến độ, tình hình thực hiện kế hoạch và định kỳ báo cáo lãnh đạo Bộ.
Bộ Công Thương cho biết, Quyết định số 237/QĐ/BCT về việc phê duyệt các đề án thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 bao gồm một số đề án với các nội dung chính như nâng cao năng lực xây dựng, phát triển, quản trị thương hiệu cho doanh nghiệp nhằm đáp ứng tiêu chí của Chương trình; quảng bá Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam gắn với quảng bá thương hiệu, sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003, giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện.