Tiêu điểm kinh tế tuần qua: Thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi)
Sáng 18/1, với 432/477 đại biểu có mặt (chiếm 87,63% tổng số đại biểu Quốc hội) tán thành đã biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Bên cạnh đó, có 20 đại biểu không tán thành và 25 đại biểu không biểu quyết.
Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt. Dự án luật đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước. Quốc hội xem xét dự thảo luật tại kỳ họp bất thường thứ 5 theo quy trình đặc biệt và tất cả ý kiến đại biểu đã được tiếp thu, giải trình, không còn đại biểu nào phát biểu thêm.
Dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 260 điều; đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần nghị quyết 18, phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật.
Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quôc hội thông qua. Ảnh: VGP |
Hà Nội cam kết tiến độ Vành đai 4 trước Quốc hội và Chính phủ
Chiều 19/1, tại họp báo của UBND TP Hà Nội, ông Lê Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội đã thông tin về việc triển khai phân bổ vốn đầu tư công năm 2024.
Theo đó, TP Hà Nội xác định năm 2024 tiếp tục là năm khó khăn, thách thức. Trong đó, kế hoạch đầu tư công năm 2024 là 81. 033 tỷ đồng, cao hơn 1,4 lần so với kế hoạch đầu tư công năm 2023. TP Hà Nội sẽ chỉ đạo quyết liệt để có thể đạt được các chỉ tiêu liên quan tới đầu tư công, đặc biệt là với các công trình trọng điểm của Thành phố.
Làm rõ thêm nội dung này, ông Trương Việt Dũng, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết: 3 năm vừa qua, Hà Nội đã có sự cải thiện vượt bậc về giải ngân đầu tư công. Và lần đầu tiên trong nhiều năm, TP Hà Nội đạt giải ngân đầu tư công cao hơn mức bình quân của Trung ương (tính đến 31/12, Trung ương mới giải ngân được 73%).
“Hà Nội cam kết, khẳng định, dự án đường Vành đai 4 về đích đúng tiến độ theo lời hứa với Quốc hội và Chính phủ”, ông Trương Việt Dũng nhấn mạnh.
Giá vàng hướng đến mức giảm hơn 1% trong tuần
Giá vàng thế giới đang hướng đến tuần giao dịch tệ nhất trong sáu tuần qua, khi đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ mạnh lên, sau khi các quan chức của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đẩy lùi các dự đoán về khả năng hạ lãi suất sớm.
Chiều 19/1, vào lúc 14 giờ 43 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 2.027,39 USD/ounce, nhưng giảm hơn 1% trong tuần qua tính đến thời điểm này. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,4% lên 2.029,60 USD/ounce.
Ông Hugo Pascal, một nhà giao dịch kim loại quý của công ty thương mại InProved, cho biết vàng gặp áp lực khi giới giao dịch điều chỉnh các dự đoán về khả năng hạ lãi suất sau số liệu kinh tế khả quan hơn dự đoán và những bình luận có thiên hướng ủng hộ thắt chặt chính sách tiền tệ của các quan chức Fed. Theo ông, điều này cũng đang lấn át tác động từ các nguy cơ địa chính trị tại Trung Đông.
Thống nhất phân bổ hơn 2.526 tỷ đồng để EVN kéo điện lưới ra Côn Đảo
Sáng 18/1, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Quốc hội cho phép sử dụng 2.526,16 tỷ đồng dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 trong tổng số vốn 37.303,015 tỷ đồng theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 4 Nghị quyết số 93/2023/QH15 để bổ sung cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Giao Thủ tướng Chính phủ quyết định giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam là cơ quan quyết định đầu tư thực hiện Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam để thực hiện dự án.
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua, tín hiệu tích cực cho nền kinh tế
Với 450/477 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 91,28% tổng số đại biểu Quốc hội, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua có bố cục gồm 15 chương với 210 điều và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024.
Theo các chuyên gia kinh tế, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có nhiều nội dung chuyên sâu, có tác động trực tiếp đến chính sách tài chính, tiền tệ, là một tín hiệu rất tích cực cho nền kinh tế, hệ thống ngân hàng.
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ có tác động ảnh hưởng rất lớn đến các tổ chức tín dụng với nhiều vấn đề lớn cần thực hiện như việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông góp vốn là tổ chức và giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông và người có liên quan của cổ đông; công khai thông tin của cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng…
Các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá việc Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được thông qua giúp hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động ổn định, an toàn, đồng thời phòng ngừa được hiện tượng gian lận, lừa đảo đối với người vay tiền. Ngoài ra, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng sẽ giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong nước gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, từ đó nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.