"Thượng đế" ngồi cả ngày ở quán cà phê chỉ gọi một cốc nước: Góc nhìn và suy ngẫm
Cam kết sản xuất và kinh doanh cà phê sạch Đường đông mà bấm còi vô tội vạ là “tay nhanh hơn não’’ Đừng để xe ôm công nghệ chạy ẩu thành vấn nạn |
Chúng ta đã quá quen thuộc với câu nói “khách hàng là thượng đế” nhưng thực tế có quá nhiều người tưởng rằng mình là “ông đế” thật để rồi muốn làm gì thì làm.
Vài năm nay, đi cà phê dần trở thành thói quen khó bỏ nhiều người, thậm chí có người còn coi nơi đây là ngôi nhà thứ hai để tạm trú hàng ngày. Cũng chẳng có gì đáng nói bởi hiển nhiên thuận mua thì vừa bán, nếu khách đến hàng ngày thì quán cũng có việc làm hàng ngày, nhưng ngặt nỗi, nhiều người chỉ gọi một cốc nước mà ngồi "cắm rễ" đến cả chục tiếng đồng hồ. Điều này khiến nhiều ông bà chủ quán cà phê không khỏi ngao ngán.
Khách hàng ngồi "mọc rễ" tại quán cà phê. Ảnh minh họa. |
Ai cũng hiểu rằng chấp nhận tham gia vào kinh doanh quán cà phê nói riêng, thị trường thực phẩm và đồ uống nói chung không khác gì đang duy trì dịch vụ của một khách sạn, nhà nghỉ mini tức nghĩa là phải đầy đủ wifi tốc độ cao, điều hòa, điện nước hai chiều nóng lạnh, phục vụ 24/7 và không gian bài trí bắt mắt,… Tất cả cũng chỉ nhằm đem đến một trải nghiệm thoải mái, hấp dẫn, níu chân được khách hàng trong bối cảnh kinh doanh cạnh tranh khốc liệt hiện nay.
Tất nhiên càng sở hữu nhiều điều kiện tiện nghi, càng tốn nhiều hơn chi phí phải chi trả hàng ngày. Nghĩa là chưa cần biết hôm nay doanh thu được bao nhiêu, sáng thức dậy đã tính được hôm nay mất bao nhiêu tiền cho đủ thể loại “thập cẩm” hóa đơn.
Nhiều người tranh luận rằng, uống một cốc nước trị giá 30.000 – 50.000 đồng thì hiển nhiên việc ngồi đến mấy giờ là quyền của khách, chẳng có ai được phép phàn nàn, phán xét ở đây. Nhưng thực tế, giá tiền đó gánh sao nổi tiền điện, tiền nước, nguyên vật liệu, tiền công trả nhân viên… và các chi phí phát sinh khác?
Nếu là một quán đông khách, còn có thể tính theo cách bù trừ, người này gánh cho người kia, nhưng thử hỏi, với quán vắng tanh, hiu hắt như chùa Bà Đanh, năm thì mười họa mới có được một tốp khách chục người, còn lại đều trong tình trạng ế ẩm. Vậy thử hỏi quán mỗi ngày thu về được bao nhiêu? Lấy tiền đâu bù lỗ chứ chưa nói hòa vốn?
Tôi đã từng có dịp được đi nhiều nước trên thế giới như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản và Mỹ. Điểm chung của các nước đó chính là “không có gì là miễn phí” – tức nghĩa mọi dịch vụ đều có giá và thời gian sử dụng của nó, muốn lâu hơn thì phải thêm phí, điều hiển nhiên bạn phải trả tiền đồng thời phải tự phục vụ.
Ví dụ muốn dùng wifi tốc độ cao tại sảnh trung tâm, sảnh khách sạn, bạn phải trả 100.000-200.000 đồng/tiếng sử dụng (quy đổi ra tiền Việt), chứ không phải như ở Việt Nam cứ đến và hỏi xin mật khẩu wifi là được cung cấp miễn phí. Đến sân bay, dù các dịch vụ cơ bản đều nằm trong gói phí đã thanh toán trước đó, song khách hàng vẫn phải tự túc phục vụ.
Đa phần người Việt khi sang nước ngoài, tiếp nhận văn hóa này, đều cảm thấy khá bất ngờ, thậm chí một số người còn tỏ ra không vừa lòng bởi vẫn hằn sâu suy nghĩ “khách hàng là thượng đế”, trả tiền là có quyền được ưu tiên, được phục vụ, và có những thứ hiển nhiên được...“dùng chùa”.
Tuy nhiên với những khách du lịch khác hay là người dân tại chính quốc gia đó đều cảm thấy việc trả phí, tự túc làm và mọi dịch vụ đều có giới hạn sử dụng nhất định là điều bình thường.
Không phủ nhận, ở đâu quen đó, mỗi nơi một lối sống, một suy nghĩ, một góc nhìn nhưng chỉ gọi một ly nước rồi "cắm rễ" cả ngày như đang ở trọ thì quả thực hơi quá đáng với những người làm dịch vụ. Bởi vô hình chung đẩy họ vào cảnh đuổi thì chẳng được mà mời cũng chẳng xong.
Khách hàng cần không gian để làm việc, chủ quán cũng cần nguồn để kiếm cơm, thiết nghĩ chúng ta nên thay đổi văn minh, hiện đại hơn để đôi bên cùng có lợi thay vì mặc nhiên "cắm rễ" như thế!?...
>>> Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ ý kiến hoặc bài viết ở bình luận bên dưới. Những ý kiến hay, được đăng tải sẽ hưởng chế độ nhuận bút theo quy định!