Thúc đẩy logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Liên kết đầu tư phát triển giao thông Công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Khẳng định vai trò đầu tàu |
Công ty cổ phần Đồng Tâm (Dongtam Group) chủ đầu tư dự án Cảng Quốc tế Long An, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An vừa hợp long 7 cầu cảng và khai trương dịch vụ khai thác hàng container.
Cụm dự án Cảng Quốc tế Long An có quy hoạch 1.935 ha tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An gồm khu công nghiệp 396 ha, khu dịch vụ - công nghiệp 239 ha, khu đô thị 1.145 ha và cảng biển 147 ha. Tổng chiều dài từ cầu cảng số 1 đến cầu cảng số 7 là 1.670m.
Trong giai đoạn phát triển tiếp theo, Cảng Quốc tế Long An thực hiện các thủ tục mở rộng lên 10 cầu cảng, trong đó có 1 cầu cảng chuyên khai thác hàng lỏng/khí hóa lỏng, 3 bến phao neo đậu tàu, một trung tâm đón tàu du lịch cỡ lớn, đón khách du lịch trong nước và quốc tế. Khi hoàn thành, cảng có chiều dài liên tục bờ cảng dài nhất Việt Nam với 2.368m và tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 100.000 DWT.
Cảng Long An hợp long 7 cầu cảng góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam |
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm cho biết, để tối ưu chi phí logistics cho các doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh Long An nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung, Long An định hướng phát triển Cảng quốc tế Long An trở thành cảng biển tổng hợp, đa dạng dịch vụ khai thác. Việc hợp long 7 cầu cảng và chính thức khai trương dịch vụ khai thác hàng container sẽ là một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Đồng ằng sông Cửu Long trong giai đoạn tới.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Lâm, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có hai nội dung quan trọng, đó là, định hướng các hoạt động kinh tế với mô hình "một trung tâm, hai hành lang kinh tế, ba vùng kinh tế, sáu trục động lực".
Đồng thời định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đến năm 2030: phát triển dịch vụ logistics thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, đưa Long An trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi kết nối các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ …
Hiện nay, trong giai đoạn vừa thi công vừa khai thác, cảng tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 70.000 DWT. Hàng hóa thông qua cảng đạt lần lượt của năm 2021, 2022 là 2 triệu và 2,2 triệu tấn.
Dịp này, cảng chính thức khai trương dịch vụ khai thác hàng container bên cạnh các mặt hàng truyền thống như nông thủy sản, phân bón, sắt thép, thiết bị máy móc, các mặt hàng siêu trường, siêu trọng.