Thông tin cơ bản trái chiều có thể khiến giá cà phê Arabica tạm thời biến động mạnh
Kết phiên 20/11, giá Arabica bật tăng mạnh gần 3% khi giới đầu cơ tiếp tục tăng vị thế mua ròng và tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US neo ở mức thấp nhất trong hơn 24 năm. Trái lại, giá Robusta biến động mạnh và khép lại phiên đầu tuần với mức giảm gần 1% so với tham chiếu.
Xuất khẩu cà phê dạng hạt niên vụ 2023/24 của cả Brazil và Colombia đều được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) điều chỉnh giảm nhẹ so với báo cáo hồi tháng 6. Điều này có thể khiến thị trường ban đầu tăng mua do lo ngại về thiếu hụt nguồn cung. Nhưng đi sâu so sánh dữ liệu với niên vụ trước, lượng cà phê xuất khẩu dự kiến đều có sự cải thiện. Cụ thể, Brazil sẽ xuất đi 39,5 triệu bao cà phê, tăng gần 20% so với niên vụ trước và dự kiến xuất khẩu của Colombia cũng tăng 12,2% so với niên vụ 2022/23.
Riêng với Arabica, sản lượng tại Brazil theo ước tính mới nhất của USDA sẽ nhỉnh hơn so với báo cáo hồi tháng 6 và tăng 12,8% so với mức 39,8 triệu bao trong vụ trước. Như vậy, dự kiến tác động từ ước tính cà phê niên vụ 2023/24 tại Brazil của USDA sẽ thiên về hướng “bearish” đối với mặt hàng Arabica.
Trong khi đó, sự chậm trễ trong phân loại cà phê của Sở ICE-US đang khiến tồn kho Arabica đạt chuẩn tiếp tục neo ở mức thấp kỷ lục sau hơn 24 năm. Dù vậy, lượng cà phê chờ phân loại ở mức tương đối với 14.675 bao, kết hợp cùng hoạt động đẩy mạnh xuất khẩu cà phê tại Brazil kỳ vọng sẽ giúp tồn kho khởi sắc trong thời gian tới.
Theo thống kê từ Hiệp hội Những nhà xuất khẩu cà phê Brazil (CECAFE), quốc gia này đã xuất đi 2,76 triệu bao cà phê trong 20 ngày đầu tháng 11, tăng 14% so với mức 2,42 triệu bao trong tháng trước. Đây liệu này có thể là tín hiệu cho tháng xuất khẩu kỷ lục tại Brazil.
Nhận định: Trước những thông tin cơ bản trái chiều, giá Arabica hợp đồng tháng 3 có thể biến động trong khoảng 168-174 cents/pound.
Trái với sự tăng lên của sản lượng Arabica, Robusta là nguyên nhân chính khiến USDA hạ dự báo sản lượng cà phê của Brazil trong báo cáo mới nhất. Theo đó, ước tính sản lượng Robusta mới nhất ở mức 21,4 triệu bao, giảm so với mức 21,7 triệu bao trong báo cáo trước và 22,8 triệu bao trong niên vụ 2022/23. USDA nhận định thời tiết không phù hợp cho sự phát triển của Robusta là nguyên nhân chính khiến sản lượng giảm.
Bên cạnh đó, vấn đề thời tiết tại Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm chú ý đối với thị trường. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết mưa rào và dông vẫn xuất hiện tại khu vực Tây Nguyên, vành đai cà phê của Việt Nam trong khung thời gian 10 ngày tới. Điều này có thể khiến lo ngại tiến độ thu hoạch bị ảnh hưởng duy trì trên thị trường, từ đó hạn chế khả năng giá giảm mạnh trong thời gian tới.
Nhận định: Giá Robusta hợp đồng tháng 1 có thể tăng lại vùng 2.440 – 2.450 USD/tấn trong phiên hôm nay nếu thị trường bám theo lo ngại hoạt động thu hoạch bị ảnh hưởng xấu tại Việt Nam.