Thoái vốn tại Tổng công ty Sông Hồng: Hơn 49% vốn Nhà nước có chủ mới, chốt giá 10.500 đồng/cổ phiếu
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, phiên đấu giá cổ phần do Bộ Xây dựng sở hữu tại Tổng công ty Cổ phần Sông Hồng (UPCoM: SHG), diễn ra ngày 22/12 đã thành công tốt đẹp.
Theo đó, 2 nhà đầu tư đăng ký tham dự, bao gồm 1 nhà đầu tư tổ chức đã mua 13,23 triệu cổ phiếu SHG, tương đương 49% vốn doanh nghiệp; 1 nhà đầu tư cá nhân đã mua 11.200 cổ phiếu SHG, tức 0,04% vốn điều lệ.
Tổng công ty Sông Hồng tham gia xây dựng hàng loạt công trình lớn ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như sân bay Nội Bài (Hà Nội), Nhà máy giấy Bãi Bằng (Phú Thọ), Sân bay Sao Vàng (Thanh Hoá)... |
Như vậy, toàn bộ 49,04% vốn Nhà nước tại Tổng công ty Sông Hồng đã có chủ mới, mang về khoảng 140 tỷ đồng, với giá chốt ở mức 10.500 đồng/cổ phiếu, tương đương giá chào bán khởi điểm.
So với giá thị trường, đây là mức giá hời cho Ngân sách Nhà nước, bởi nó cao hơn gần 4 lần (2.700 đồng/cổ phiếu), cho thấy nhà đầu tư vẫn đặt kỳ vọng lớn vào "ông lớn" xây dựng vang danh một thuở này.
Được biết, đây không phải lần đầu Bộ Xây dựng tiến hành thoái vốn khỏi Tổng công ty Sông Hồng, trước đó hoạt động này từng được thực hiện vào năm 2020, song bị tạm dừng vì vấp phải một số quy định.
Ngoài ra, tình thế của SHG đang không khá khẩm hơn. Mã này đang bị hạn chế giao dịch do 2 năm tài chính liên tiếp gần đây không tổ chức đại hội cổ đông thường niên, bị âm vốn chủ sở hữu, hoạt động kinh doanh không có gì nổi bật… Cũng chính vì vậy, trong một thời gian dài, SHG chứng kiến thanh khoản èo uột, nhiều ngày liên tiếp không phát sinh giao dịch.
Ngược về thời gian, Tổng công ty Sông Hồng tham gia xây dựng hàng loạt công trình lớn ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như Sân bay Nội Bài (Hà Nội), Nhà máy giấy Bãi Bằng (Phú Thọ), Sân bay Sao Vàng (Thanh Hoá), nhà thi đấu đa năng TP. Đà Nẵng, dự án 165 Thái Hà (Hà Nội), nhà thi đấu thể dục thể thao Nam Định, dự án khu nhà máy chính và khu hành chính - Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 (Hà Tĩnh), các khu căn hộ chung cư ở Kim Liên, Giảng Võ (Hà Nội)...
Tổng công ty Sông Hồng thực hiện đấu giá lần đầu (IPO) gần 7 triệu cổ phần vào năm 2009 với giá chốt là 22.290 đồng/cổ phiếu, cao vượt so với giá khởi điểm là 14.000 đồng/cổ phiếu. Từ đó đến nay, Bộ Xây dựng vẫn là cơ quan đại diện cho 49,04% phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp này. Khác với mong đợi rằng cổ phần hóa giúp tăng năng suất lao động, cải thiện sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả trong hoạt động sử dụng vốn...
Tổng công ty Sông Hồng "sa lầy" từ khi đặt chân vào khu vực tư nhân, thua lỗ triền miên, nợ nần chồng chất và gây rủi ro mất vốn nhà nước.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ soát xét 2023, Tổng công ty Sông Hồng ghi nhận doanh thu trong kỳ chưa đầy 4 tỷ đồng, giảm mạnh 83% so với cùng giai đoạn năm ngoái. Lỗ sau thuế gần 27 tỷ đồng, không có sự cải thiện so với cùng kỳ. Mức lỗ này đã nâng mức lỗ lũy kế của Tổng công ty Sông Hồng tại thời điểm 30/6/2203 lên 1.293 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm âm 987 tỷ đồng, nợ phải trả 1.972 tỷ đồng. Việc miệt mài thua lỗ đã được lãnh đạo doanh nghiệp giải trình trước Đại hội đồng cổ đông, với lý do bị tồn đọng vốn, khó thu hồi vốn tại các công trình thi công làm phát sinh chi phí vốn, giảm uy tín của tổng công ty với các tổ chức tín dụng, gây khó khăn cho việc tiếp cận các công trình, công việc mới thực hiện thông qua đấu thầu.
Báo cáo tài chính bán niên 2023 của doanh nghiệp tại thời điểm 30/6/2023, trong 985 tỷ đồng tổng tài sản của Tổng công ty Sông Hồng, có tới 380,7 tỷ đồng phải thu ngắn hạn và 405 tỷ đồng là hàng tồn kho, trong khi số dư tiền chỉ còn khoảng 4,4 tỷ đồng...