Thị trường ô tô Việt Nam: Cơ hội và thách thức từ các hãng xe Trung Quốc
Hoa Kỳ điều tra chống trợ cấp lốp xe ô tô Việt Nam Đề xuất thực hiện chiến lược ngành công nghiệp ô tô Việt Nam Bài 3: Giải pháp nào cho ngành cơ khí, công nghiệp ô tô Việt Nam? |
Điều này mang theo cả cơ hội và thách thức không chỉ đối với người tiêu dùng mà còn đối với các “đối thủ” cạnh tranh đang hoạt động tại Việt Nam.
Đa dạng về sản phẩm và nguồn năng lượng
Từ đầu năm 2023, các hãng sản xuất ô tô Trung Quốc đã liên tục tung ra thị trường Việt Nam những mẫu xe mới, nhằm khẳng định vị thế của họ trong một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực Đông Nam Á.
Mẫu xe điện P7 của Công ty Xpeng (Trung Quốc) giới thiệu tại Triển lãm ô tô quốc tế Thượng Hải. Ảnh tư liệu: Kyodo/TTXVN |
Đáng chú ý là MG, thương hiệu ô tô của Anh quốc (nay thuộc Tập đoàn công nghiệp ô tô Thượng Hải - SAIC Motor) đã quay lại thị trường Việt Nam thông qua nhà phân phối Tan Chong Motor Holdings Bhd (Malaysia) vào năm 2020. MG đã mở đại lý tại nhiều tỉnh, thành và giới thiệu hai mẫu xe xăng mới. Họ cũng đã công bố kế hoạch đầu tư vào nhà máy lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Tuy nhiên, do doanh số bán xe còn khá khiêm tốn và kế hoạch xây dựng nhà máy đến nay vẫn nằm trong kế hoạch.
Sau 3 năm trở lại thị trường Việt Nam, từ tháng 7 năm nay, SAIC Motor đã tiếp quản trực tiếp việc điều hành và phân phối xe MG tại Việt Nam thay cho Tan Chong Motor. SAIC Motor đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam với dân số lên tới gần trăm triệu người, tốc độ phát triển kinh tế nhanh và tỷ lệ sở hữu ô tô còn thấp.
Hãng đã đặt mục tiêu đạt doanh số khoảng 100.000 xe mỗi năm trong vòng 5 năm tới, từng bước thâu tóm vị trí trong Top 3 thương hiệu ô tô bán chạy nhất tại Việt Nam và đạt thị phần khoảng 12% cho MG. Để đạt được mục tiêu này, SAIC Motor tiếp tục phân phối các mẫu xe MG hiện có và sẽ ra mắt dòng xe điện trong năm nay. Hãng cũng xem xét khả năng xây dựng nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô MG tại Việt Nam.
Không chỉ riêng MG, các hãng ô tô Trung Quốc khác như Haima cũng đã tái xuất Việt Nam sau hơn thập kỷ vắng bóng thông qua nhà nhập khẩu và phân phối mới, là CarViVu. Dự kiến, Haima sẽ tung ra thị trường những sản phẩm mới vào cuối năm nay, trong đó có một mẫu xe điện cạnh tranh trực tiếp với VinFast VF8.
Các thương hiệu ô tô Trung Quốc khác như Hongqi đã đổ bộ vào thị trường Việt Nam đầu năm 2022 với mẫu xe xăng H9 và mẫu xe điện E-HS9. Hãng xe Haval thuộc Tập đoàn Great Wall Motor cũng đã khai trương đại lý và giới thiệu mẫu xe đầu tiên là Haval H6 từ tháng 8 năm nay.
Công ty Cổ phần Ô tô TMT (TMT Motors) đã ra mắt chiếc xe điện mini Wuling Hongguang Mini EV 4 chỗ ngồi mang thương hiệu Trung Quốc, được lắp ráp tại Hưng Yên với mức giá từ 239 triệu đồng đến 282 triệu đồng vào tháng 6 vừa qua. Ngày 29/9, TMT Motors đã bàn giao những chiếc xe đầu tiên cho khách hàng.
Tại triển lãm Autotech & Accessories 2023, hãng xe Trung Quốc Zhidou đã giới thiệu mẫu ô tô điện Zhidou A01, loại xe 3 chỗ ngồi. Zhidou có kế hoạch lắp ráp xe tại Việt Nam thông qua một liên doanh và dự kiến bán mẫu xe này với giá khoảng 100 triệu đồng.
Hãng xe lớn nhất Trung Quốc, BYD, cũng đang xây dựng kế hoạch sản xuất và lắp ráp ô tô tại Việt Nam. BYD sẽ nhập khẩu và phân phối một số mẫu xe trước khi thực hiện sản xuất trong nước, nhằm chiếm lĩnh thị trường.
Ngoài các thương hiệu đã được đề cập, còn nhiều thương hiệu khác của Trung Quốc như Chery và Jeacoo cũng đang chuẩn bị giới thiệu và mở bán xe tại Việt Nam trong năm nay, bao gồm cả xe xăng và xe điện...
Với sự gia nhập của nhiều hãng ô tô Trung Quốc khác nhau, câu hỏi mà nhiều người tiêu dùng đặt ra là về chất lượng, công nghệ và lợi thế cạnh tranh của những mẫu xe này. Xe ô tô Trung Quốc làm gì để vượt qua định kiến và tâm lý người tiêu dùng đối với các thương hiệu xe Trung Quốc?
Nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức
Theo chuyên gia ô tô Thế Đạt (Cartimes - Bộ Công Thương), đây không phải là lần đầu tiên các thương hiệu ô tô Trung Quốc thâm nhập thị trường ô tô Việt Nam.
Trước đó, năm 2007, Lifan cũng đã bán một số mẫu xe. Năm 2009, Cherry cũng mang một số mẫu xe giá rẻ vào Việt Nam. Tuy nhiên, sau một vài năm các thương hiệu này đều lần lượt rút khỏi Việt Nam một cách âm thầm. Nguyên nhân là do người tiêu dùng vẫn còn định kiến về chất lượng, mẫu mã, an toàn thương hiệu xe Trung Quốc.
Với sự “đổ bộ” của xe Trung Quốc vào Việt Nam lần này có thiết kế hấp dẫn và công nghệ xu hướng đã và đang tạo sự cạnh tranh giữa các hãng sản xuất ô tô trong và ngoài nước. Các hãng ô tô ở Việt Nam nên cải thiện chất lượng sản phẩm, giảm giá thành và nâng cao dịch vụ để cạnh tranh với các đối thủ. Qua đó, có thể thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Đặc biệt, thị trường ô tô Việt Nam vẫn đánh giá cao các mẫu xe của Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc và Mỹ về mặt an toàn, vận hành đồng bộ và độ tin cậy. Qua đánh giá này, tâm lý người tiêu dùng còn nghi ngại về chất lượng và đặt câu hỏi liệu có nên mua xe ô tô Trung Quốc hay không bởi thực tế trước đây nhiều hãng xe từng xâm nhập thị trường Việt Nam nhưng không thành công do chất lượng và độ tin cậy của các mẫu xe này cũng như hệ thống phân phối, bảo hành. Vì vậy, một trong những thách thức lớn cho các hãng ô tô Trung Quốc là phải chứng minh được chất lượng và độ bền của sản phẩm trong thời gian dài bên cạnh giá cả cạnh tranh.
Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Tuấn đến từ Công ty Thiên Phúc An, đơn vị có nhiều năm kinh doanh ô tô cho rằng, mất giá nhanh cũng là một điểm đáng chú ý, vì độ tin cậy và uy tín thương hiệu của các hãng xe Trung Quốc chưa cao, nhiều mẫu xe Trung Quốc mới qua sử dụng thường rớt giá khá mạnh và khó bán lại. Điều này làm nảy sinh lo ngại cho người mua xe về giá trị sau khi mua và khả năng bán lại xe sau này.
Với xe điện, hạ tầng sạc điện và quản lý chất lượng xe điện cũng là những thách thức cần được quan tâm. Tại Việt Nam, VinFast đã phát triển hệ thống trạm sạc với hơn 150.000 cổng sạc rộng khắp 63 tỉnh, thành trong cả nước, trong khi các doanh nghiệp khác mới chỉ đang nghiên cứu thị trường. Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến việc xử lý pin hết hạn và tái chế, một khía cạnh quan trọng của xe điện cũng chưa được các hãng làm rõ, ngoại trừ VinFast cam kết chịu trách nhiệm về việc xử lý pin đến cuối vòng đời của xe.
Theo các chuyên gia, trong tương lai, việc cạnh tranh giữa các hãng xe Trung Quốc và các “đối thủ” trong và ngoài nước sẽ tiếp tục làm cho thị trường ô tô Việt Nam trở nên đa dạng hơn về lựa chọn và giá cả. Khách hàng sẽ được hưởng lợi từ sự cạnh tranh này, nhưng cũng cần thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định mua xe, để đảm bảo nhận được chất lượng và giá trị tốt nhất cho khoản đầu tư của mình.