Thép thấp thỏm chờ tín hiệu khởi sắc từ thị trường bất động sản
Nhu cầu xây dựng đẩy thị trường thép trong nước rục rịch sôi động Cổ phiếu ngành thép tăng, bức tranh ngành thép năm 2023 liệu có lạc quan? Do đâu sản lượng thép của Trung Quốc bất ngờ giảm 4,8%? |
Thị trường khởi sắc
Thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy quý III/2023 sản xuất thép thành phẩm đạt 7,036 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2022. Bán hàng thép thành phẩm đạt 6,457 triệu tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt 2,062 triệu tấn, tăng 70,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, tính chung 9 tháng đầu năm nay, sản xuất thép thành phẩm đạt 20,179 triệu tấn, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm 2022. Bán hàng thép thành phẩm đạt 18,978 triệu tấn, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt 5,961 triệu tấn, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 8/2023, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 1,287 triệu tấn thép tăng 18,17%% so với tháng 7/2023 và tăng 63,97% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị nhập khẩu đạt hơn 937 triệu USD tăng 11,22% so với tháng trước và tăng 10,45% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 8 tháng đầu năm, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 7,927 triệu tấn với trị giá hơn 6,538 tỷ USD, giảm 3,18% về lượng và giảm 26,15% về giá trị so với cùng kỳ 2022.
Các quốc gia cung cấp thép chính cho Việt Nam bao gồm: Trung Quốc (57,18%), Nhật Bản (16,06%), Hàn Quốc (8,87%), Đài Loan (6,19%) và ASEAN (6,13%).
Thị trường thép trong nước khởi sắc, còn chờ bất động sản phục hồi |
Đối với tình hình xuất khẩu, tháng 8/2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 988 ngàn tấn thép giảm 1,95% so với tháng 7/2023 nhưng tăng 89,52% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt hơn 706 triệu USD giảm 3,52% so với tháng trước nhưng tăng 54,16 % so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 8 tháng, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 7,38 triệu tấn thép tăng 24,44% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 5,694 tỷ USD giảm 6,39% so với cùng kỳ năm 2022.
Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2023 là: khu vực ASEAN (31,64%), Khu vực EU (25,44%), Hoa Kỳ (9,71%), Ấn Độ (5,46%) và Brazil (3,39%).
Thấp thỏm chờ bất động sản hồi phục
Theo VSA, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm ghi nhận một số điểm sáng về một số chính sách tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được Chính phủ và các cơ quan Nhà nước ban hành, trong đó có hoạt đông giải ngân vốn đầu tư công tăng trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông.
Tuy nhiên, nhìn chung nhu cầu thị trường với các mặt hàng thép trong nước nói chung vẫn yếu, chưa được cải thiện nhiều.
Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính, cho biết mặc dù sản lượng bán hàng thép xây dựng tăng, nhu cầu thị trường vẫn yếu. Điều này có thể đặt ra thách thức cho ngành thép và yêu cầu các biện pháp và chiến lược để duy trì và tăng cường tăng trưởng trong những tháng cuối năm.
Số liệu của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy từ 14/9, giá quặng sắt - nguyên liệu chính đầu vào cho sản xuất thép - vẫn liên tiếp giảm. Nguyên nhân do các doanh nghiệp đẩy hàng tồn kho sau thời gian dài tiêu thụ chậm. Từ 10/10 đến nay, giá tăng giảm đan xen nhưng không đáng kể.
Từ đầu năm đến nay, giá thép đã trải qua 19 lần giảm giá, hiện mức giá đang được giữ quanh mốc 13,5 triệu đồng/tấn.
Tại miền Bắc, thép Hòa Phát với dòng thép cuộn CB240 bán ở mức 13.430 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 13.740 đồng/kg.
Thương hiệu thép Việt Ý, dòng thép cuộn CB240 ở mức 13.430 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 13.690 đồng/kg. Thép Việt Đức, với dòng thép cuộn CB240 bán ở mức 13.430 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 có giá 13.890 đồng/kg.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết nguyên nhân giá thép trong nước liên tục giảm là do nhu cầu tiêu thụ chậm, thị trường bất động sản thời gian qua còn ảm đạm, đầu tư công chưa khởi sắc. Không chỉ có vậy, các doanh nghiệp thép trong nước còn phải cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc khi nước này liên tục hạ giá thép xuất khẩu.
Nhiều chuyên gia cho rằng giá thép sẽ biến động theo thị trường bất động sản. Theo chuyên gia Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect, dự báo thị trường bất động sản sẽ được phục hồi từ năm 2024 còn là quá sớm và quá lạc quan. Dựa vào chu kỳ lên xuống của thị trường bất động sản trong hơn một thập kỷ qua, có thể sẽ phải mất đến 2-3 năm nữa, thị trường bất động sản mới có thể vực dậy được. Từ đó, tiêu thụ thép mới có thể khởi sắc trở lại.
VNDirect cho rằng, thị trường bất động sản sẽ chỉ có thể được hồi phục từ năm 2024 khi Luật Đất đai sửa đổi được thông qua tháo gỡ hàng loạt, đồng bộ các nút thắt pháp lý và áp lực tài chính, lãi suất được giảm bớt khi các ngân hàng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn cũng như kích cầu người mua nhà.
Trên thực tế, hàng loạt chính sách nhằm hỗ trợ cho thị trường bất động sản được ban hành kể từ đầu năm 2023. Tuy nhiên, đến nay hiệu quả vẫn còn chưa cao.