Thấy gì về năng lực nhà thầu trong gói thầu thi công hệ thống điện chiếu sáng tại Tuyên Quang?
Như Báo Công Thương đã thông tin, tranh cãi giữa Tổng công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang liên quan đến công tác lựa chọn nhà thầu gói thầu số 25: Thi công hệ thống điện chiếu sáng thuộc Dự án Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1) - đoạn qua Tuyên Quang, đang là chủ đề được dư luận đặc biệt quan tâm.
Tại gói thầu do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu, Vinaincon là nhà thầu bị loại tại bước đánh giá năng lực kinh nghiệm do không đáp ứng điểm kỹ thuật.
Dự án Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1) - đoạn qua Tuyên Quang. Ảnh minh họa |
Không đồng tình với quyết định này, Vinaincon đã có công văn gửi bên mời thầu đề nghị làm rõ nguyên nhân họ bị đánh giá không đạt năng lực kinh nghiệm, cùng những điểm khó hiểu, gây băn khoăn khác. Sự việc đến nay chưa được giải quyết thỏa đáng.
Trong khi đó, Liên danh Công ty TNHH Thành Dũng, Công ty TNHH Thương mại kỹ thuật điện và Xây dựng Hà Nội và Công ty TNHH Thiết bị điện Dũng Hoan (Liên danh Thành Dũng – Xây dựng Hà Nội – Dũng Hoan) - đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Vinaincon đạt xếp hạng cao nhất tại bước đánh giá năng lực kinh nghiệm, tiếp tục vào vòng mở hồ sơ đề xuất tài chính.
Hồ sơ thể hiện, nhà thầu Liên danh Thành Dũng – Xây dựng Hà Nội – Dũng Hoan dự thầu giá 69,408 tỷ đồng, giảm khoảng 21 triệu đồng so với giá gói thầu, đạt tỷ lệ tiết kiệm khá thấp.
Loạt sai phạm môi trường của Công ty Thành Dũng
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Thành Dũng thành lập ngày 11/6/2004, địa chỉ chính tại xã Long Xuyên, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Đáng chú ý, Công ty Thành Dũng là doanh nghiệp chuyên về sản xuất kinh doanh giấy Kraft (giấy vỏ bao bì xi măng), chủ yếu là bột giấy và giấy, bao bì carton.
Xây lắp - cánh tay trái của Công ty Thành Dũng không có gì nổi bật. Theo số liệu từ Hệ thống đấu thầu quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhà thầu từ trước đến nay chỉ nộp hồ sơ tham dự tại 4 gói thầu trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, đều giành chiến thắng nhưng giá trị gói thầu không lớn, thấp nhất là 6 tỷ đồng và cao nhất là 23 tỷ đồng, trong vai trò liên danh.
Song, hoạt động cốt lõi là sản xuất giấy, bao bì của Công ty Thành Dũng lại gây ấn tượng xấu cho người dân tỉnh Hải Dương. Nhà máy sản xuất đặt tại cụm công nghiệp Long Xuyên (xã Long Xuyên, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) của họ nhiều năm bị "tố" vi phạm về môi trường, xả khói bụi và mới đây xả nước thải ra cánh đồng của xã, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân.
Một số công nhân đang khắc phục hệ thống đường ống nước thải của Công ty TNHH Thành Dũng. Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam |
Chính quyền xã Long Xuyên đã nhiều lần làm việc trực tiếp với Công ty Thành Dũng, yêu cầu khác phục và đề nghị cơ quan chức năng của huyện có giải pháp can thiệp, xử lý sai phạm. Thậm chí, dù không ít lần bị cơ quan chức năng của tỉnh, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an kiểm tra xử phạt, nhưng Công ty Thành Dũng vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt", tiếp tục có những hành vi tái phạm về môi trường nghiêm trọng hơn, khiến người dân bức xúc…
Đỉnh điểm là năm 2021, doanh nghiệp đã bị C49 xử phạt 990 triệu đồng do lắp đặt đường ống xả nước thải không qua xử lý ra môi trường và xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn cho phép. UBND tỉnh Hải Dương sau đó cũng phạt bổ sung Công ty Thành Dũng với hình thức tạm đình chỉ hoạt động và tạm đình chỉ xả thải ra ngoài môi trường 3 tháng.
Chủ tịch Hội đồng thành viên doanh nghiệp là ông Nguyễn Trọng Tiến (SN 1952). Từ tháng 11/2022, ông Tiến rút khỏi vai trò đại diện theo pháp luật của Công ty Thành Dũng, thay vào đó là ông Cao Văn Đạt (SN 1978), Tổng giám đốc. Cũng trong tháng 11 này, Công ty Thành Dũng tăng vốn điều lệ từ 165 tỷ đồng lên 350 tỷ đồng.
Ngoài Công ty Thành Dũng, một cơ sở kinh tế khác của ông Tiến cũng được đặt tại tỉnh Hải Dương, đấy là Công ty Cổ phần Giày Cẩm Bình, chủ nhà máy sản xuất gạch Ceramic huyện Cẩm Giàng.
Quá bức xúc, các hộ dân đã đến cổng Công ty Cổ phần Giày Cẩm Bình phản đối hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường |
Tương tự Công ty Thành Dũng, Giày Cẩm Bình cũng thường xuyên bị người dân khu vực căng băng rôn, khẩu hiệu yêu cầu dừng sản xuất, có biện pháp khắc phục tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khiến hàng trăm hộ dân sống gần đó phải "sống dở, chết dở".
Mặc dù cho thấy quan điểm sẵn sàng đánh đổi môi trường lấy kinh tế, song Công ty Thành Dũng của ông Nguyễn Trọng Tiến đến nay vẫn chưa "vá lấp" xong khoản lỗ lũy kế từ khi hoạt động. Theo tài liệu của Báo Công Thương, thời điểm cuối năm 2022, doanh nghiệp lỗ lũy kế 26,7 tỷ đồng, qua đó kéo vốn chủ sở hữu xuống 323 tỷ đồng (vốn điều lệ 350 tỷ đồng).
Gần 27 tỷ đồng không phải con số quá lớn so với quy mô doanh thu từ 450 - 500 tỷ đồng/năm của Công ty Thành Dũng, chỉ tương đương khoảng 5-6% doanh thu. Tuy nhiên, nguyên nhân ôm lỗ dai dẳng là vì doanh nghiệp chỉ báo cáo lợi nhuận lên cơ quan chức năng khoảng vài trăm triệu đồng mỗi năm, khiến quá trình bù lỗ trên sổ sách không hẹn ngày về đích.
Bên cạnh đó, Công ty Thành Dũng cũng có số nợ khá lớn hơn 230 tỷ đồng, trong đó 191 tỷ đồng là nợ ngắn hạn, còn lại 40 tỷ đồng nợ dài hạn. Phần lớn được vay từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Hải Dương, và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - Chi nhánh TP. Hải Dương, với tài sản bảo đảm là dây chuyền thiết bị sản xuất giấy, máy móc liên quan và các tài sản hình thành trong tương lai thuộc dự án "Thay thế, cải tạo máy móc thiết bị dây chuyền giấy Kraft nhằm nâng cao năng lực sản xuất của Công ty TNHH Thành Dũng"...
Biết gì về Thương mại kỹ thuật điện và Xây dựng Hà Nội?
Về Công ty TNHH Thương mại kỹ thuật điện và Xây dựng Hà Nội (viết tắt là Công ty Hà Nội), nhà thầu này có phần nhỉnh hơn Công ty Thành Dũng về tiếng tăm khi là 1 trong 3 thành viên liên danh (Công ty TNHH và Xây dựng Trung Chính, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Lâm Việt) thực hiện gói thầu xây dựng công trình dự án cầu Hòa Bình 2 trị giá gần 500 tỷ đồng.
Xây lắp không phải thế mạnh của Công ty Hà Nội, mà doanh nghiệp này được biết đến nhiều hơn với tư cách là nhà cung cấp thiết bị điện trong ngành công nghệ Led, với gần 20 năm kinh nghiệm. Gắn liền với sự phát triển của Công ty Hà Nội, không thể không nhắc đến công sức của Tổng giám đốc Hoàng Hữu Tuyến (SN 1976), vị doanh nhân sinh sống tại Hà Nội.
Trong số vốn điều lệ 22 tỷ đồng, ông Tuyến là người giữ đến 98%, chỉ lượng nhỏ 2% thuộc về bà Lê Thị Ái Mai (SN 1980), tương đương 440 triệu đồng. Bà Mai có trình độ chuyên môn là kỹ sư hệ thống điện, là nhân sự cao cấp hỗ trợ ông Tuyến khá nhiều trong hoạt động quản trị, điều hành doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế quy mô của Công ty Hà Nội tương đối khiêm tốn. Xét về doanh thu, trong những năm gần đây, hoạt động kinh doanh của họ cho thấy sự sa sút đáng báo động, khi "trượt dốc" từ 126 tỷ đồng năm 2018, xuống còn 30,6 tỷ đồng năm 2019, và đến năm 2022 giảm còn vẻn vẹn 16 tỷ đồng.
Đáng lưu tâm, trước khi cùng Công ty TNHH và Xây dựng Trung Chính và Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Lâm Việt lập liên danh làm gói thầu cầu Hòa Bình 2, Công ty Hà Nội đã thua lỗ 5,1 tỷ đồng trong năm 2018. Sang năm 2019 - 2020, doanh nghiệp báo lỗ liên tục với 13,3 tỷ đồng và 16,9 tỷ đồng.
Điều đó dẫn đến tổng số lỗ cộng dồn của Công ty Hà Nội đến cuối năm 2022 là 14,9 tỷ đồng, chiếm 69% số vốn điều lệ. Đối lập với vốn liếng eo hẹp, doanh nghiệp lại tích cực vay mượn, đẩy tổng nợ phải trả cùng thời điểm lên 108 tỷ đồng, gấp đến 15,4 lần vốn chủ sở hữu (7 tỷ đồng). Với năng lực như vậy, khó có một quan điểm lạc quan dành cho nhà thầu của ông Hoàng Hữu Tuyến.
Cuối cùng, Công ty TNHH Thiết bị điện Dũng Hoan vốn là doanh nghiệp địa phương cỡ nhỏ, vốn điều lệ chỉ 1,9 tỷ đồng. Điểm sáng là sau gần 10 năm hoạt động, đi lên từ một cửa hàng kinh doanh thiết bị điện tại TP. Tuyên Quang, doanh nghiệp do ông Lê Thành Dũng (SN 1975) làm chủ đã tích góp được khoản lợi nhuận hơn 12 tỷ đồng, cao hơn 6,3 lần vốn điều lệ, tạo sự khác biệt hoàn toàn so với hai đối tác là Công ty Thành Dũng và Công ty Hà Nội...