Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu: Cần doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt
Cần xây dựng chuỗi cung ứng do doanh nghiệp Việt dẫn đầu Doanh nghiệp Việt tham gia “cuộc chơi” chuỗi cung ứng toàn cầu |
Nhiều sản phẩm nổi bật
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo "Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu” do Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp cùng Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh và Báo Tuổi trẻ tổ chức chiều ngày 28/2.
Theo ông Hồ Quỳnh Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Điện Quang, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, song nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang nước ngoài hoặc cung ứng cho doanh nghiệp FDI tại Việt Nam với chất lượng và giá cả cạnh trạnh. Cơ hội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Điển hình, tại Điện Quang với mảng công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đang tham gia với hai vai trò vừa là nhà cung cấp (Supplier) đồng thời là cả nhà mua hàng (Buyer). Hiện Điện Quang đã và đang đẩy mạnh đầu tư quy mô lớn vào công nghiệp điện tử và nhựa kỹ thuật, để mở ra những cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.
Cũng theo ông Hưng, Điện Quang đã đầu tư dây chuyền sản xuất đồng bộ, hiện đại như nhà máy Chip LED, nhà máy sản xuất bo mạch điện tử, sản xuất lắp ráp các sản phẩm OEM, ODM…
Ông Nguyễn Ngô Long - Giám đốc Công ty TNHH cơ khí Nhật Long, (TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, trong quá trình hơn 20 năm đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, hiện nay các sản phẩm về linh kiện phụ tùng không chỉ xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản mà còn cung cấp cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Trong suốt thời gian qua, công ty định hướng đầu tư mạnh vào trang thiết bị sản xuất hiện đại, cải thiện quy trình hoạt động hiệu quả, kiên trì với mục tiêu sản phẩm chất lượng, giá thành cạnh tranh so với các linh kiện phụ tùng nhập khẩu.
Toàn cảnh Hội thảo Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu |
Nhìn nhận về nền công nghiệp Việt Nam, ông Long cho rằng cần có sự hỗ trợ với các doanh nghiệp nhỏ để cùng tiến, bước vào nấc thang chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Muốn có biệt thự, phải có những ngôi nhà nhỏ. Cũng như nền công nghiệp, cần tham gia mạnh mẽ của những công ty nhỏ với sự dẫn dắt của công ty lớn, hướng đến sự phát triển bền vững. Từ đó, phát triển xa hơn, lâu dài", ông Long nói.
Cần doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt
Ông Trần Anh Hào - Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp - Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, cho hay từ năm 2015, TP. Hồ Chí Minh đã bắt đầu xây dựng đề án thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ. Đến nay, chương trình kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Thành phố thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia, là nền tảng cho tỷ lệ nội địa hóa của thành phố luôn đạt trên 50%.
Tuy nhiên, đến nay ngành này vẫn chưa thực sự phát triển do chưa được luật hóa, công tác quản lý quy hoạch, chiến lược phát triển, đặc biệt trong quản lý và liên kết vùng còn hạn chế. Công tác quản lý nhà nước với lĩnh vực công nghiệp còn phân tán, đa số doanh nghiệp là nhỏ và vừa, nên bị hạn chế về nhân sự, nguồn lực tài chính, nghiên cứu phát triển sản phẩm.
"Cần sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý là Luật Phát triển Công nghiệp và thành lập Ban Chỉ đạo phát triển công nghiệp quốc gia" song song với tập trung phát triển quỹ đất công nghiệp, nguồn nhân lực, phát triển ngành công nghiệp ưu tiên, tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, kết nối cung cầu... " , ông Trần Anh Hào đề xuất.
Các đại biểu tìm hiểu về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại hội thảo |
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế CIEM, cho rằng trong quá trình tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, Việt Nam có nhiều lợi thế khi ở vị trí trung tâm ở châu Á - Thái Bình Dương, là vùng năng động nhất để phát triển, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do.
Tuy vậy, để trả lời câu hỏi Việt Nam có công nghiệp hóa - hiện đại hóa thành công không thì không có đáp án cụ thể. Chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine, dịch bệnh là… bất định, nhưng những nỗ lực về phát triển của doanh nghiệp là sự hiện hữu.
Đặc biệt, xây dựng chuỗi cung ứng thường gắn với những lợi thế so sánh, chi phí vận chuyển, tự động hóa... nên câu chuyện không chỉ còn là hiệu quả, công nghệ mà còn là lòng tin giữa các đối tác, xu hướng bảo hộ gia tăng. "Các đối tác mà Việt Nam tham gia đều là "toàn diện", "chiến lược", sẽ là cơ hội để hợp tác, tạo nên lòng tin chiến lược", TS. Võ Trí Thành lưu ý.
Vấn đề của Việt Nam, theo ông Thành, khi xác định "hạt giống tiềm năng" thì cần có chính sách hỗ trợ quan trọng, đặc biệt là hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu đàn. Đó là những công ty tiên phong, thu hút tạo dựng được liên kết với các doanh nghiệp và các thể chế liên quan.
Tiếp thu những ý kiến đóng góp tại hội thảo, ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, ngành công nghiệp hỗ trợ hiện nay vẫn còn nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, bộ ngành đang thực hiện xây dựng và soạn thảo dự thảo Luật Phát triển công nghiệp của Việt Nam để tạo môi trường hấp dẫn, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển ngành này.
Ông Trương Thanh Hoài cũng cho biết, trong Luật Phát triển công nghiệp của Việt Nam thì đối tượng chính được xác định là doanh nghiệp và cơ chế chính sách thúc đẩy những doanh nghiệp đầu tàu Việt Nam tự chủ và từng bước lan tỏa ra cộng đồng doanh nghiệp. Trên cơ sở này, hình thành hệ sinh thái, chuỗi liên kết ngành, tăng giá trị gia tăng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu với doanh nghiệp đầu tàu giữ vai trò dẫn dắt hoặc đầu mối trung gian.
Ngoài ra, ông Hoài cũng thông tin thêm các chính sách mới như tạo ra hệ sinh thái công nghiệp, hỗ trợ công nghệ, phát triển sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu. Đồng thời ông nhấn mạnh mong muốn hiệp hội ngành hàng phát huy hơn nữa vai trò, đóng góp tiếng nói xây dựng các chính sách thuế, lãi suất, ngân hàng để hoàn thiện hơn các chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp.