Doanh nghiệp Việt tham gia “cuộc chơi” chuỗi cung ứng toàn cầu
Doanh nghiệp Việt được đối tác ưa chuộng
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Công ty cơ khí Duy Khanh kiêm chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.Hồ Chí Minh cho biết, làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng đang diễn ra mạnh mẽ, để đón nhận nhanh xu hướng này buộc doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, tự đổi mới mình và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Với Công ty Duy Khanh, từ năm 2016, ông Tống đã nhìn thấy cơ hội trong lĩnh vực cơ khí nên quyết định đầu tư thêm nhà máy ở Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh. Dự kiến cuối năm 2022, nhà máy mới sẽ đi vào hoạt động, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu với nhiều sản phẩm được các doanh nghiệp đối tác đặt hàng.
Doanh nghiệp Việt Nam tham gia ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu |
Bên cạnh lĩnh vực sản xuất, logistics cũng là lĩnh vực đầy tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng với các đối tác FDI. Ông Mai Trần Thuật, Giám đốc phụ trách Supply Chain Solutions, Bee Logistics Group chia sẻ, khi các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã tạo ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp logistics ở Việt Nam. Đặc biệt là cùng với xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc thì các doanh nghiệp của EU đầu tư vào Việt Nam rất nhiều. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp logistics có thêm việc làm và doanh thu trong giai đoạn Covid-19.
“Bản thân các doanh nghiệp như Bee Logistics cũng đi trước đón đầu, hợp tác với các hãng lớn để làm thầu phụ cho họ, để gia tăng sự hiện diện của doanh nghiệp logistics Việt Nam với các doanh nghiệp của châu Âu”, ông Thuật nói. Việc tham gia các chuỗi cung ứng với doanh nghiệp nước ngoài được đánh giá là bước đi khôn ngoan của doanh nghiệp nội địa trong bối cảnh cả nguồn vốn và năng lực của doanh nghiệp Việt Nam chưa thể đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp FDI.
Cùng với sự dịch chuyển chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia về Việt Nam thì rất nhiều “ông lớn” trong ngành sản xuất, dịch vụ như Samsung, Panasonic, LG, Bosch, Marsk… Việt Nam đang tiếp tục tìm kiếm nhà cung cấp thiết bị phụ trợ tại Việt Nam. Điều đáng mừng các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang đáp ứng tiêu chuẩn của những ông lớn này để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Riêng với lĩnh vực công nghiệp, theo đánh giá của Cục Công nghiệp, Bộ Công thương hiện Việt Nam chưa có doanh nghiệp đóng vai trò dẫn sắt mang tính lan tỏa trong ngành công nghiệp. Tuy vậy, đến nay đã ghi nhận khoảng 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Cụ thể, trong ngành dệt may da giày: 64% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cung cấp cho thị trường trong nước (trong đó 3% cung cấp cho doanh nghiệp FDI), 9% xuất khẩu và 27% cung cấp cho cả hai thị trường; điện tử có 44% doanh nghiệp cung cấp cho thị trường trong nước (trong đó 22% cung cấp hoàn toàn cho FDI), 16% cung cấp cho thị trường xuất khẩu và 40% số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của ngành cung cấp cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu…
Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, trong thời gian qua, các tập đoàn sản xuất lớn của thế giới hoạt động tại Việt Nam đang đẩy mạnh việc tìm kiếm nhà cung cấp tại chỗ để tăng tỷ lệ nội địa hóa. Tuy vậy, vấn đề hiện nay là khả năng đáp ứng của doanh nghiệp trong nước còn hạn chế bởi những yêu cầu để tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp sản xuất đầu cuối rất khắt khe.
Ông Đỗ Phước Tống nêu thực trạng, hiện nguồn lực của doanh nghiệp Việt Nam nói chung chưa lớn. Một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư song số lượng vẫn quá ít so với nhu cầu của nền kinh tế hiện nay. Do đó, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp, ông Trần Bá Linh kiến nghị, để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội hợp tác với một số doanh nghiệp nội địa để mở rộng thêm nguồn cung ứng cũng như phụ liệu nhằm đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu không bị đứt gãy.
Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương đã và đang tích cực hợp tác với cơ quan Chính phủ các nước (Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh… ), các tổ chức quốc tế và một số tập đoàn đa quốc gia lớn (điển hình như Samsung) triển khai các dự án hợp tác nhằm cải tiến doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước và tăng cường kết nối doanh nghiệp nội địa với các chuỗi sản xuất toàn cầu.
Về dài hạn, giải pháp đặt ra là hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp trong nước (chú trọng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với thực tiễn, với nhu cầu doanh nghiệp công nghiệp trong nước).
Bên cạnh đó, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với khu vực FDI và thị trường toàn cầu nhằm tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định tự do thương mại, từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đưa doanh nghiệp công nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.