Thái Nguyên: Phát triển thương hiệu “Gà đồi Phú Bình”
Hướng tới xây dựng Thái Nguyên thành trung tâm kinh tế công nghiệp vùng trung du miền núi phía Bắc Thái Nguyên: Phát triển du lịch cộng đồng vùng đồng bào dân tộc |
Điểm sáng trong chăn nuôi gà đồi tập trung
Xác định gà đồi là 1 trong 8 sản phẩm chủ lực của địa phương, từ năm 2021 đến nay, huyện Phú Bình chú trọng xây dựng các vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Hàng năm, từ các nguồn vốn lồng ghép, huyện đã phân bổ kinh phí để hỗ trợ các mô hình chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ, đặc biệt là phát triển các sản phẩm chế biến sâu.
Huyện Phú Bình chú trọng xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh (Ảnh: BTN) |
Cùng với đó, huyện triển khai thực hiện Dự án xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh với tổng kinh phí 11 tỷ đồng; dự án phát triển gà đồi tại 2 xã Tân Kim, Tân Khánh với tổng kinh phí 10 tỷ đồng. Đến nay, toàn huyện đã có 8 cơ sở chăn nuôi gà đạt tiêu chuẩn VietGAP, 3 sản phẩm thịt gà đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Trong đó, dự án phát triển thương hiệu “Gà đồi Phú Bình” được triển khai tại 4 xã: Tân Khánh, Tân Kim, Tân Thành và Tân Hòa với 25 trang trại tham gia. Các cơ sở tham gia dự án được chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào các khâu: Chọn giống, thức ăn, thuốc thú y, công nghệ vi sinh…. Huyện đã phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên tư vấn, chuyển giao công nghệ mới trong chăn nuôi nhằm giảm thiểu mùi hôi, hạn chế chất thải ra môi trường; đào tạo và nâng cao năng lực cho người chăn nuôi. Đồng thời, đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền để người dân chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, áp dụng công nghệ mới… Từ đó, tạo thành điểm sáng trong chăn nuôi và nhân rộng mô hình trên toàn huyện nhằm phát triển kinh tế cộng đồng.
Những năm qua, giá gà đồi luôn duy trì ở mức cao, mang lại thu nhập ổn định cho người chăn nuôi. Đặc biệt, các cơ quan chuyên môn của tỉnh Thái Nguyên đã tạo điều kiện tối đa về mặt kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn… cho các hộ chăn nuôi gà đồi. Sở Công Thương, các Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế các thành phố đều định hướng phát triển chăn nuôi gà thả đồi theo từng vùng hợp lý và hỗ trợ liên kết trong sản xuất, giảm rủi ro về đầu ra.
Trước đây, hầu hết các hộ dân ở Phú Bình chăn nuôi gà theo phương thức thủ công, bán chăn thả; sản phẩm gà thịt được tiêu thụ qua tư thương nên giá trị kinh tế mang lại chưa cao, khó cạnh tranh với các vùng chăn nuôi gà lân cận. Trong khi đó, nhãn hiệu "Gà đồi Phú Bình" đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng kí từ năm 2014.
Đến nay, Phú Bình đã trở thành một trong những địa phương nuôi gà trọng điểm của thị trường miền Bắc, nơi cung cấp một lượng lớn gà thịt, trứng gà cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, phát huy lợi thế của một huyện có nhiều đồi núi thấp, Phú Bình đã phát động phong trào chăn nuôi gà đồi với giống địa phương, chăn nuôi dưới tán cây rừng và cây ăn quả. Phong trào nuôi gà đồi phát triển mạnh tạo ra vùng sản xuất tập trung với nhiều trang trại, gia trại quy mô lớn, số lượng đàn gà lên tới hơn 3 triệu con.
Gà đồi Phú Bình với các giống chủ lực là: Gà ri vàng rơm, gà lai mía, gà J- Dabaco, gà lai chọi... được chăn thả trên đồi nên rất khỏe mạnh, sức đề kháng tốt. Ngoài ra, do được nuôi theo đúng quy trình sinh học nên chất lượng sản phẩm được đánh giá cao, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng.
Áp dụng quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP
Với mục tiêu phát triển gà đồi bền vững, huyện Phú Bình đã đưa ra những biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh và nâng cao chất lượng đàn gà, tập huấn cho nông dân áp dụng quy trình chăn nuôi gà đồi theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm và quản lý tốt nhãn hiệu sau khi được công nhận.
Trang trại gà của Hợp tác xã Gà đồi hữu cơ Tân Phú (Ảnh: HTX Tân Phú) |
Tân Khánh là một trong những xã chăn nuôi gà lớn nhất ở huyện Phú Bình. Thời gian qua, người dân nơi đây đã tập trung xây dựng và sử dụng nhãn hiệu sản phẩm “gà đồi Phú Bình”. Các hộ chăn nuôi đều nắm chắc quy trình để sản phẩm làm ra bảo đảm chất lượng theo bộ tiêu chuẩn đối với từng loại như: Sản phẩm gà giống, gà thịt, thịt gà đã chế biến và thực phẩm làm từ thịt gà. Vì vậy, sản phẩm “gà đồi Phú Bình” được các thương lái thu mua đánh giá cao về chất lượng.
Mới đây, mô hình chăn nuôi gà đồi sử dụng men sinh học được áp dụng tại Hợp tác xã chăn nuôi trồng trọt dịch vụ nông nghiệp Đông Thịnh bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, đảm bảo vệ sinh môi trường và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Sắp tới, mô hình chăn nuôi theo hướng nông nghiệp sạch, phát triển bền vững này sẽ được nhân rộng trên địa bàn huyện Phú Bình.
Không dừng ở việc nâng cao chất lượng gà thịt, trên địa bàn huyện Phú Bình đã có một số cơ sở chăn nuôi, hợp tác xã phát triển sản phẩm chế biến sâu từ thịt gà. Hiện nay, Hợp tác xã gà đồi hữu cơ Tân Phú đã chế biến sâu được 7 sản phẩm từ thịt gà, trong đó có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao là khô gà lá chanh và gà đồi Tân Phú.
Để phát huy và khai thác có hiệu quả thế mạnh của vùng đồi thấp, thời gian tới, Phú Bình tiếp tục hỗ trợ các hộ chăn nuôi gà đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới mục tiêu xây dựng một nền chăn nuôi phát triển bền vững.
Huyện cũng sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại đối với sản phẩm “gà đồi Phú Bình”. Đồng thời, tiến hành đăng kí nhãn hiệu chứng nhận “gà đồi Phú Bình” tại các thị trường quốc tế để tiến tới xuất khẩu sản phẩm chủ lực của địa phương. Tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện để người dân phát triển chăn nuôi với quy mô tập trung; liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh quảng bá, kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm.
Cuối tháng 11 này, lần đầu tiên UBND huyện Phú Bình sẽ phối hợp với Sở Công Thương tổ chức Chương trình xúc tiến, kết nối tiêu thụ gà đồi Phú Bình và các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Qua đó, góp phần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm gà đồi và nâng cao giá trị thương hiệu "Gà đồi Phú Bình". |