Tạo hành lang pháp lý và cơ chế cho phát triển điện khí tại Việt Nam
Đây là chia sẻ của nhiều chuyên gia tại Diễn đàn “Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam" tổ chức ngày 14/12/2023 tại Hà Nội. Diễn đàn do Báo Điện tử VOV tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Khí Việt Nam, Công ty cổ phần PV GAS.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) nêu rõ, theo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII) thì đến năm 2030, nguồn nhiệt điện khí sẽ chiếm tới 24,8% tổng công suất toàn hệ thống phát điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện, trong khi nhiệt điện than, thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi lần lượt chiếm tỷ trọng là 20%, 19,5% và 18,5%.
“Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam thời gian qua nhận được rất nhiều sự quan tâm và tranh luận của các nhà hoạch định chính sách và quản lý, các chuyên gia, các tổ chức nghiên cứu và truyền thông. Ngành năng lượng Việt Nam trong những năm gần đây đã phát triển mạnh trong tất cả các khâu phát triển công nghiệp khí đốt; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ hết khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG)… Điều đó đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển và đổi mới đất nước. Tuy vậy, quy mô và hiệu quả còn đang ở mức thấp”, ông Phạm Mạnh Hùng nói.
Quang cảnh Diễn đàn |
Phân tích về vai trò phát triển điện khí, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhìn nhận, điện khí LNG có nhiều ưu điểm trong việc giảm phát thải khí CO2 và NOx ra môi trường (giảm khoảng 40% khí CO2 và khoảng 90% khí NOx so với các nhà máy nhiệt điện than và dầu). Việc này góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển xanh hơn của ngành điện cũng như góp phần thực hiện cam kết về giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam.
Song theo ông Thi việc chuyển dịch sang năng lượng xanh sạch, trong đó có phát triển điện khí LNG không dễ dàng, có thể thực hiện một sớm một chiều. Cùng đó, các dự án LNG thường đòi hỏi nguồn vốn lớn lên tới hàng tỷ USD, hiện chúng ta phải nhập khẩu hoàn toàn loại nhiên liệu khí hóa lỏng, chiếm từ 70-80% giá thành điện năng sản xuất nhưng lại nhiều biến động; cũng chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu.
Chia sẻ thêm về các khó khăn thách thức trong phát triển điện khí ở Việt Nam, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay của các nhà máy điện khí LNG vẫn là giá thành cao. Cùng với đó Việt Nam vẫn chưa có kinh nghiệm trong xây dựng, vận hành các kho cảng LNG và chuỗi dự án điện khí sử dụng LNG.
“Đăc biệt là rủi ro cho đầu tư điện khí khi thời gian chuyển đổi sang điện chạy hydro ngắn, tạo áp lực cho thời gian sống của dự án”, ông Phong lo lắng.
Cũng theo ông Phong, Quy hoạch điện VIII cho phép mỗi nhà máy điện khí được xây dựng kho khí LNG, như vậy không gắn liền nhau thành một mối mang tính dàn trải từ Bắc vào Nam trên cả nước, không phát huy hiệu quả đầu tư.
Để giải quyết những “mối lo” này theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cần quy hoạch đồng bộ, tập trung các dự án kho cảng nhập khẩu LNG để tiết kiệm nguồn lực xã hội, phát triển kinh tế và từ đó thúc đẩy thị trường LNG trong nước phát triển.
“Việc quy hoạch đồng bộ, ổn định lâu dài kho cảng, cơ sở tái khí hóa lỏng, hệ thống đường ống dẫn, cơ sở phát điện khí là cơ sở để các nhà đầu tư tính toán bỏ vốn đầu tư”, ông Thịnh nói.
Cùng đó cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở để triển khai xây dựng, sử dụng hạ tầng liên quan đến khí LNG, bao gồm các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật, thương mại, tài chính cần phải được hoàn thiện. Cơ chế chính sách theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, cần phải rõ ràng, khả thi, thực tế, bảo đảm quản lý và quy định hiệu quả, xây dựng hệ thống phân phối và tiếp cận thị trường và thúc đẩy hợp tác quốc tế cũng như để các nhà đầu tư quốc tế, các nhà đầu tư tư nhân yên tâm đầu tư vốn phát triển điện khí LNG.