Tăng cường tiết kiệm, đảm bảo điện cao điểm mùa khô 2024
Diễn biến thời tiết thất thường sẽ xảy ra trong năm 2024
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện tượng El Nino xuất hiện từ giữa năm 2023 và tiếp tục duy trì đến tháng 4/2024, sau El Nino suy yếu và có khoảng 60% cơ hội chuyển sang pha trung tính trong giai đoạn từ tháng 5-7/2024 và khoảng 50-60% khả năng chuyển sang La Nina vào cuối năm 2024.
Với diễn biến như trên, nhiều khả năng nắng nóng tại khu vực Nam Bộ, khu vực Tây Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm.
Thời tiết năm 2024 diễn biến thất thường, nắng nóng đến sớm hơn. Ảnh: Pháp luật và xã hội |
Cùng với đó, năm 2024 được dự báo tổng lượng mưa sẽ thấp hơn so với trung bình nhiều năm, cùng với sự xuất hiện sự chuyển pha ENSO. Vì vậy, thời tiết khí hậu thường có những biến động mạnh trên phạm vi toàn quốc.
Đặc biệt, nửa đầu năm sẽ xuất hiện nguy cơ thiếu nước và những cảnh báo cao điểm khô hạn. Trong đó, nguy cơ thiếu nước tập trung ở khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Bên cạnh đó, với diễn biến thời tiết ngày càng bất thường, nền nhiệt tăng cao, các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo về công tác cung cấp điện mùa khô năm 2024, nhất là khu vực miền Bắc khi nguồn thuỷ văn bị ảnh hưởng, các nguồn điện hạn chế, khả năng truyền tải từ Trung ra Bắc vẫn còn gặp khó khăn.
Đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm và đảm bảo điện mùa khô
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về việc đảm bảo cung ứng điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện trong thời gian tới, Bộ Công Thương và các đơn vị có liên quan đã nhanh chóng, quyết liệt triển khai các giải pháp.
Theo đó, Bộ Công Thương đã yêu cầu Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), công bố kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô trong năm 2024 bao gồm kế hoạch huy động sản lượng điện từng tháng theo phương án 2 cho chủ đầu tư các nhà máy điện và các đơn vị liên quan để các đơn vị chủ động lập kế hoạch chuẩn bị dự phòng phù hợp cho sản xuất điện.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các đơn vị để thực hiện các giải pháp về nguồn điện theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 457/TB-VPCP ngày 6/11/2023 và các chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương trong thời gian qua; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý vận hành hồ chứa thủy điện cập nhật thường xuyên và bám sát tình hình thủy văn các hồ chứa thủy điện để có kế hoạch vận hành hồ chứa tối ưu và hiệu quả, tuân thủ quy định và các quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ, đảm bảo an ninh, an toàn cung cấp điện.
Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đơn vị xác định các giải pháp quản lý phía nhu cầu điện, tiết kiệm điện là một trong những giải pháp quan trọng ưu tiên hàng đầu.
EVN quyết liệt triển khai các giải pháp để đảm bảo điện cho mùa khô 2024. Ảnh: EVN |
Ông Trần Viết Nguyên, Phó Trưởng ban kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, ban lãnh đạo các đơn vị tổ chức triển khai các nhóm giải pháp, theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương,
Cụ thể như các giải pháp để vận hành tối ưu hệ thống điện, đảm bảo thường xuyên, liên tục và giảm tổn thất kỹ thuật tốt nhất; Giao chỉ tiêu, nhiệm vụ và tuyên truyền tiết kiệm điện tới tất cả các đơn vị trực thuộc EVN, các cán bộ công nhân viên, người lao động với các chỉ tiêu cao hơn chỉ tiêu giao (từ 5–10%), lan tỏa tới người thân, bạn bè hưởng ứng các chương trình tiết kiệm điện.
Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông, các tổ chức chính trị - xã hội từ TW tới địa phương tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chính sách, tư vấn các giải pháp, cách thức tiết kiệm điện tới cộng đồng, các khách hàng sử dụng điện.
Chủ động xây dựng kế hoạch tiết kiệm điện theo Chỉ thị 20/CT-TTg báo cáo Sở Công Thương tham mưu UBND các tỉnh/thành phố để chỉ đạo triển khai Chỉ thị 20/CT-TTg trên địa bàn.
Làm việc trực tiếp với các nhóm khách hàng được chỉ đạo trong Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện như cơ quan công sở, hành chính sự nghiệp; tổ chức, cơ quan quản lý chiếu sáng công cộng, cơ sở kinh doanh và thương mại dịch vụ, đặc biệt là cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp thuộc danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (theo quyết định ban hành của Thủ tướng Chính phủ), để tư vấn và ký cam kết thực hiện các chương trình, mục tiêu tiết kiệm điện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Làm việc với các khách hàng sử dụng điện lớn với mức tiêu thụ từ 1 triệu kWh/năm trở lên để ký thỏa thuận dịch chuyển sản xuất ra khung giờ cao điểm; tham gia các sự kiện điều chỉnh phụ tải điện (DR) theo thông tư 23 của Bộ Công Thương để đảm bảo hệ thống điện được vận hành an toàn, tin cậy và hiệu quả kinh tế.
Ngoài ra, EVN xây dựng các công cụ công nghệ thông tin, website để cập nhật tình hình sử dụng điện của tất cả các nhóm khách hàng, gửi thông báo hàng tuần/tháng tới các cơ quan quản lý để điều hành tiết kiệm điện.
Nhằm đánh giá tình hình, đôn đốc việc triển khai các chỉ đạo cũng như kế hoạch cấp điện mùa khô, ngày 19/2 vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức họp với các đơn vị trực thuộc. Tại cuộc họp, Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An và Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn đã yêu cầu các đơn vị tiếp tục theo dõi tình hình, nghiêm túc thực hiện kế hoạch đã đề ra; thường xuyên báo cáo để có giải pháp xử lý kịp thời. Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An cũng nhấn mạnh, an toàn hệ thống điện phải đặt lên hàng đầu. Các đơn vị không được phép chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ. |