Tận dụng các FTA, hàng Việt tiến sâu chuỗi cung ứng toàn cầu
Doanh nghiệp Việt tham gia “cuộc chơi” chuỗi cung ứng toàn cầu Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu |
Tuy nhiên, thách thức cũng đặt ra khi các nước đưa ra những quy định khắt khe đối với sản phẩm nhập khẩu.
Vì vậy các doanh nghiệp Việt phải tiếp tục gỡ “rào cản”, tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, theo hướng sản xuất và xuất khẩu xanh.
Nâng cao vị thế trên trường quốc tế
Hiện Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực thi 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế.
Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái thông tin, cuối tháng 7 vừa qua Việt Nam đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA), qua đó thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt sang Israel đồng thời tiếp cận các thị trường Trung Đông, Bắc Phi, Nam Âu.
Hàng Việt Nam bầy bán tại hệ thống siêu thị tại Úc. Ảnh: Hoài Nam |
Việc Việt Nam ký kết, tham gia nhiều FTA đã giúp nâng cao giá trị xuất khẩu, cán cân thương mại được cải thiện theo hướng chuyển từ thâm hụt sang thặng dư. Theo Bộ Công Thương, năm 2022 là năm thứ 7 liên tiếp Việt Nam xuất siêu với mức thặng dư gần 12 tỷ USD. Riêng trong 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam tiếp tục xuất siêu 15,23 tỷ USD, góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.
Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình cho biết, trước đây, khi hiệp định thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) chưa được ký kết, gạo Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu chịu thuế suất rất cao từ 5 – 45%. Trong khi đó, gạo của Lào, Campuchia, Myanmar... được EU cho chính sách đặc cách, được miễn thuế vì đây là những nước nghèo. Khi có EVFTA, doanh nghiệp ngành gạo có cơ hội cạnh tranh bình đẳng, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU.
Sản xuất thời trang xuất khẩu tại Công ty CP may Sơn Tây. Ảnh: Hoài Nam |
Dưới góc độ là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực của TP Hà Nội, Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Vũ Thanh Sơn nêu rõ, các FTA đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng nông sản, chế biến thủy, hải sản tiếp cận được thị trường quốc tế. Đặc biệt việc mở rộng thị trường xuất khẩu còn là cơ hội để doanh nghiệp tham gia vào tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy do dịch Covid-19.
Giới chuyên gia kinh tế nhận định, việc ký kết các FTA giúp kinh tế Việt Nam thay đổi tích cực trong điều kiện nền kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng của dịch Covid -19 và các xung đột kinh tế, chính trị. Đồng thời tạo cơ hội cho nông sản Việt giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á. Đặc biệt FTA trở thành “đòn bẩy”, thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp toàn diện, gắn liền với yếu tố xanh, sạch.
Vẫn còn nhiều việc phải làm
Mặc dù các FTA đã nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt khi thâm nhập thị trường quốc tế, tuy nhiên doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn thực hiện gia công hoặc xuất khẩu nguyên liệu, chưa xây dựng được thương hiệu tại thị trường quốc tế. Bên cạnh đó việc phát triển thương mại quốc tế vẫn dựa vào các yếu tố bề rộng, thiếu sự đóng góp của các yếu tố chiều sâu như năng suất lao động, hàm lượng tri thức, công nghệ.
Để tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bền vững, mở rộng thị phần, theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada Trần Thu Quỳnh cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần sớm chuyển đổi theo hướng xây dựng thương hiệu riêng. “Đồng thời cần chuyên môn hóa vào các nhóm hàng đặc chủng mà khi nghĩ đến Việt Nam là người tiêu dùng bản địa nghĩ ngay tới các sản phẩm của chúng ta, ví dụ như giày dép bảo hộ, quần áo đi biển, quần áo trẻ em…”-bà Quỳnh hiến kế.
Nông sản Việt bầy bán tại hệ thống siêu thị tại Úc. Ảnh: Hoài Nam |
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, hiện việc tận dụng các ưu đãi từ các FTA của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất ít, chỉ khoảng 30%. Do đó, Bộ Công Thương tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường, quy định, chính sách mới của các nước sở tại. Đồng thời cảnh báo sớm các “rào cản” mới của đối tác và các vụ kiện thương mại, giúp cho các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp có chính sách phù hợp…
Đồng tình với ý kiến này, PGS. TS. Ngô Trí Long cho rằng, để tận dụng FTA một cách có hiệu quả, doanh nghiệp Việt cần chủ động trong vấn đề tìm hiểu cơ chế, chính sách, thị trường, những rào cản thương mại…từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần chủ động trong xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường.
Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Ảnh: Hoài Nam |
Tuy nhiên, bên cạnh sự cố gắng của doanh nghiệp, thời gian tới Chính phủ cần rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, để xuất và trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung, kịp thời thông qua một số đạo luật quan trọng như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo vệ Môi trường, Bộ luật Lao động và một số luật về thuế, để phù hợp với các quy định của FTA”-ông Long kiến nghị.
Để hàng Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, tăng trưởng, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu. Để không bị loại khỏi cuộc chơi, doanh nghiệp cần đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, vị thế của Việt trên trường quốc tế. “Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ kiến nghị Chính phủ xây dựng, hoàn thiện thể chế xuất nhập khẩu đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều cho doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu” - ông Diên nhấn mạnh.