Số đông người tiêu dùng Việt Nam đang cẩn trọng hơn
Cần giải pháp để người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm sạch Tăng trải nghiệm người tiêu dùng trong Ngày mua sắm trực tuyến ASEAN |
Có đến 75% người tiêu dùng trong nước đang càng lúc càng cẩn trọng hơn trong hành vi tiêu dùng của mình, theo số liệu của chuyên gia Đặng Thuý Hà, Giám đốc Nielsen khu vực miền Bắc nêu tại Diễn đàn đẩy mạnh hiệu quả kết nối cung – cầu, tổ chức tại Hà Nội ngày 23/11/2023.
Nhấn mạnh thêm, bà Đặng Thuý Hà nói thói quen của người tiêu dùng Việt Nam đang thay đổi khá mạnh mẽ, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh Covid-19 và cả sau đó nhưng các doanh nghiệp liệu đã đi theo, đi kịp với tốc độ này hay chưa thì vẫn còn là một câu hỏi.
Dẫn các kết quả nghiên cứu, vị chuyên gia thị trường này cho biết trong số các yếu tố để người tiêu dùng cân nhắc khi mua sản phẩm: có 3 yếu tố chiếm tỷ lệ cao là giá cả hợp lý, bảo đảm an toàn vệ sinh và tốt cho sức khoẻ. Đáng ngạc nhiên là hàng cao cấp và chất lượng cao lại xếp cuối.
“Phần lớn các sản phẩm mới nổi bật đều thuộc phân khúc bình dân như sản phẩm từ sữa, đồ ăn vặt và chăm sóc nhà cửa”, bà Hà thông tin.
Bà Đặng Thuý Hà, Giám đốc Nielsen khu vực miền Bắc |
Giá cả chỉ là một bài toán mà người tiêu dùng đang đặt ra cho doanh nghiệp. Hai bài toán khác liên quan đến cải tiến sản phẩm và hiểu biết về tính mùa vụ để đẩy mạnh doanh thu.
Liên quan đến việc cải tiến sản phẩm, người tiêu dùng hiện không những chỉ đang tìm kiếm các sản phẩm tốt mà bản thân các sản phẩm này còn mang nhiều lợi ích về tài chính cũng như công dụng.
Về tính mùa vụ, ghi nhận cho thấy tại các khu vực thành thị và nông thôn đều có sự tăng trưởng vào dịp Tết so với trước Tết và xu hướng này vẫn đang diễn ra nếu tính gộp cả các kênh truyền thống và hiện đại. Theo đó ở khu vực thành thị trước Tết năm 2023 doanh thu là 38.000 tỷ đồng, trong dịp Tết tăng lên tới con số 43.000 tỷ đồng. Còn ở khu vực nông thôn cũng ở thời điểm năm 2023 trước Tết doanh thu là 33.000 tỷ đồng, dịp Tết tăng lên thành 40.000 tỷ đồng.
Rõ ràng là bối cảnh kinh doanh mới đòi hỏi các doanh nghiệp không chỉ nắm bắt theo kịp xu hướng của người tiêu dùng mà còn cần thay đổi tư duy marketing. Bà Đặng Thuý Hà nêu quan điểm marketing giờ đây không còn là cuộc chiến của sản phẩm mà đó là cuộc chiến của sự cảm nhận.
Theo phân tích của vị chuyên gia này, doanh nghiệp luôn cần đo lường sức khoẻ thương hiệu của mình để biết thương hiệu của mình đang ở đâu luôn là điều hết sức cần thiết. Một thương hiệu yếu chỉ có mức độ trung thành của khách hàng là 40% trong khi con số này ở một thương hiệu trung bình là 56% và thương hiệu mạnh là 69%.
Và ở đây công thức để có một thương hiệu mạnh là sức khoẻ thương hiệu cộng với chiến lược marketing hiệu quả.
Trong bối cảnh việc tăng cường kết nối cung – cầu đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết cũng như khi doanh nghiệp đang gặp khó khăn, lời khuyên được vị chuyên gia này đưa ra là việc trở nên gần gũi và thấu hiểu người tiêu dùng chính là chiếc chìa khoá giúp doanh nghiệp nắm bắt được những cơ hội phát triển mới trước khi trông đợi vào các giải pháp hỗ trợ từ phía các cơ quan nhà nước.