Sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng trở lại
Hóa giải thách thức, nâng giá trị gia tăng cho sản xuất công nghiệp “Vực dậy” sản xuất công nghiệp sụt giảm trong quý I: Cần loạt giải pháp tổng thể |
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 4/2023 ước tăng 3,6%
Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/4 cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 4/2023 ước tính tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất công nghiệp tháng 4 khởi sắc hơn so với tháng trước và cùng kỳ |
Trong đó, ngành khai khoáng giảm 2,1%; ngành chế biến, chế tạo tăng 0,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 4,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,3%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 7,8%). Trong đó, ngành khai khoáng giảm 2,8% (cùng kỳ năm 2022 tăng 4,1%), làm giảm 0,5 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành chế biến, chế tạo giảm 2,1% (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,5%), làm giảm 1,5 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,5% (cùng kỳ năm 2022 tăng 7%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,5% (cùng kỳ năm 2022 tăng 1,7%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Báo cáo nêu, chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2023 của một số ngành trọng điểm cấp II giảm so với cùng kỳ năm trước, gồm: sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 9,6%; sản xuất xe có động cơ giảm 8,5%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 7,9%; sản xuất trang phục giảm 7,4%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 5,1%; sản xuất kim loại giảm 5%; dệt giảm 4,9%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 4,6%.
Đáng chú ý, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của một số ngành tăng so với cùng kỳ năm trước là sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 14,3%; khai thác quặng kim loại tăng 14,1%; sản xuất đồ uống tăng 11,1%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 10,6%; sản xuất sản phẩm thuốc lá và hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải; tái chế phế liệu cùng tăng 7,2%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 6,8%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 6,1%.
52 địa phương có chỉ số công nghiệp tăng
Báo cáo của Tổng cục Thống kê nêu rõ, chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 52 địa phương và giảm ở 11 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.
Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 4 tháng đầu năm 2023 giảm so với cùng kỳ năm trước: Ô tô giảm 19,3%; thép thanh, thép góc giảm 15,1%; điện thoại di động giảm 13%; xe máy giảm 12,3%; phân u rê giảm 12,2%; vải dệt từ sợi tự nhiên giảm 11,1%; quần áo mặc thường giảm 10,4%; linh kiện điện thoại giảm 10,1%; xi măng giảm 4,8%; thép cán giảm 4,5%; dầu thô khai thác giảm 4%; khí hóa lỏng LPG giảm 3,7%.
Bên cạnh đó, một số sản phẩm tăng so với cùng kỳ năm trước: Đường kính tăng 23,2%; xăng dầu tăng 15,1%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 12,2%; phân hỗn hợp NPK tăng 10,4%; thuốc lá điếu tăng 7,2%; sơn hóa học tăng 6,1%.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/4/2023 tăng 0,7% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 3,5% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,1% và giảm 1,3%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,4% và giảm 2,7%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,9% và giảm 4,1%.
Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng tăng 0,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 0,4% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 0,8% và giảm 3,7%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí không đổi so với tháng trước và giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,1% và tăng 0,5%.
Thúc đẩy phục hồi sản xuất công nghiệp tạo lực đẩy tăng trưởng
Theo Bộ Công Thương, thời gian tới cần chủ động các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng; hỗ trợ tối đa các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng.
Cùng với việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án của ngành Công Thương, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, sẽ tập trung tạo điều kiện thuận lợi để đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành, đặc biệt là các dự án liên quan đến khai thác, chế biến khoáng sản, quy mô lớn các dự án thép tại Nam Định, Bình Định và Phú Yên.
Đồng thời, triển khai hiệu quả sau khi Quy hoạch khoáng sản được phê duyệt để nhằm tạo thêm nguồn lực mới và đồng thời tập trung phát triển công nghiệp vật liệu phục vụ cho chính công nghệ sản xuất, chế biến, chế tạo trong nước.
Bên cạnh đó, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng của các ngành sản xuất công nghệ cao đang hướng về khu vực các nước châu Á. Các chính sách kích cầu đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp của nhà nước phát huy tác dụng trong việc phục hồi các hoạt động sản xuất. Một số dự án lớn về hạ tầng, công nghiệp dự kiến sẽ được khởi động và tiến hành trong cuối 2022 và năm 2023 sẽ là các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng đáng kể cho các ngành công nghiệp.
Ngoài ra, để đẩy mạnh phát triển sản xuất trong nước thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường rà soát các tồn đọng ở các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng, tháo gỡ khó khăn để sớm đi vào vận hành; bám sát tiến độ, tháo gỡ khó khăn để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản... nhằm gia tăng năng lực sản xuất mới và tạo chủ động nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu, phát triển bền vững sản xuất.
Đồng thời, tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu; xây dựng chương trình hỗ trợ, hợp tác đẩy mạnh tiêu dùng các sản phẩm công nghiệp.