Quảng Ninh: Kết quả bất ngờ sau khi dồn lực phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Từng bước hình thành các khu công nghiệp hiện đại, chuyên sâu Quảng Ninh: Công nghiệp văn hóa có tiềm năng lớn “Đòn bẩy” thúc đẩy công nghiệp nông thôn tỉnh Quảng Ninh |
Mới đây nhất, trong tháng 11/2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh Quảng Ninh tăng 51,05% so với tháng 11/2022. Nguyên nhân được xác định là vì sự xuất hiện của Công ty TNHH Jinko Solar tại Khu công nghiệp Sông Khoai, sản xuất thêm sản phẩm mới là tấm quang năng.
Ngoài sản phẩm tấm quang năng, trong 11 tháng năm 2023, sản xuất thiết bị điện của các doanh nghiệp tăng 352,36%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 191,51%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 104,39%...
Trước đó, 8 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo của tỉnh tăng 12,99%. Có 15/21 ngành có chỉ số tăng so với cùng kỳ năm 2022, số liệu từ Cục thống kê Quảng Ninh cho hay.
Dây chuyền sản xuất sản phẩm điện tử của nhà máy thuộc Tập đoàn Foxconn tại KCN Đông Mai (TX Quảng Yên). Ảnh: Báo Quảng Ninh |
Dù vậy, ngành than vẫn đóng góp lớn vào nguồn thu của tỉnh Quảng Ninh. Nếu như năm 2020 là 39,1%, năm 2021 là 36,7% thì đến năm 2022, ngành than chiếm 40,9%. Tổng sản lượng than sạch trong vòng 3 năm (2021-2023) ước đạt 135,56 triệu tấn.
Kết quả đạt được của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã góp phần nâng cao chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tính chung 11 tháng của Quảng Ninh tăng 10,08% so với cùng kỳ năm 2022.
Trước kết quả đó, Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương chia sẻ: “Đây là con số cực kỳ ấn tượng trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều bất ổn, khó lường, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh năm 2023 đạt 11,03%”.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu GRDP (chỉ số tổng sản phẩm của Quảng Ninh) tăng dần theo từng năm. Cụ thể, năm 2021, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 11,3% GRDP toàn tỉnh, năm 2022 tăng lên là 11,5%. Dự kiến năm 2023 con số này sẽ là 12,3%.
Các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh đã và đang được chủ đầu tư tích cực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sản xuất. Điển hình như Công ty TNHH Thời trang dệt kim Việt Nam sản xuất vải dệt kim; Công ty TNHH điện tử Tonly Việt Nam có sản phẩm mới là vòng tay thông minh... Đặc biệt có 8/14 sản phẩm chế biến, chế tạo chủ yếu đạt và vượt so với kịch bản.
Mặt khác, công nghiệp sản xuất điện của Quảng Ninh vẫn duy trì tốc độ phát triển khá ổn định. Dù sản lượng điện sản xuất có sự sụt giảm bình quân 1,01%/năm từ năm 2020 đến nay nhưng Quảng Ninh vẫn là địa phương có sản lượng điện sản xuất cao
Nhờ vậy đã tạo điều kiện tối đa để các ngành xi măng, điện tử, dệt may... đẩy mạnh sản xuất, gia tăng số lượng sản phẩm, kết nối phát triển thị trường tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa.
Trong tháng cuối năm, chỉ tiêu của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đặt ra là tiếp tục duy trì sự phát triển ổn định của các sản phẩm đã được tạo dựng từ đầu năm; đồng thời sẽ hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để sản xuất bột mì đạt 50.000 tấn, quần áo đạt 2 triệu cái, thân mũ đạt 6,9 triệu cái…
Từ đó, góp phần đảm bảo hoàn thành kịch bản tăng trưởng kinh tế như kế hoạch UBND tỉnh đã xây dựng từ đầu năm.
Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp chế biến chế tạo sẽ chiếm tỷ trọng hơn 15% trong GRDP; tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân 17%/năm; thu hút tổng vốn đầu tư đạt trên 50.000 tỷ đồng; tạo ra ít nhất 30.000 chỗ làm việc mới.
Nhìn xa hơn, tỉnh định hướng đến năm 2030, tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 20% trong GRDP; tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân 20%/năm; thu hút tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt hơn 100.000 tỷ đồng; tạo ra khoảng 50.000 chỗ làm việc mới.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, thăm dây chuyền sản xuất của Tập đoàn Foxconn. Ảnh: Báo Quảng Ninh |
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ ưu tiên thu hút có chọn lọc các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp thông minh, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng lớn, quản trị hiện đại, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên khoáng sản.
Cùng với đó, tỉnh cũng triển khai nhiều giải pháp kiểm soát chặt chẽ, tạo cơ chế hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp chế biến, chế tạo đang gặp khó khăn. Có chính sách ưu đãi cụ thể để hình thành và phát triển các cụm công nghiệp hỗ trợ, nâng cao trình độ theo tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng nhiều chương trình kết nối giữa doanh nghiệp hỗ trợ trên địa bàn với các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài.