Quảng Ninh: Công nghiệp văn hóa có tiềm năng lớn
Lực hút đầu tư khủng từ những "mảnh đất vàng" Từng bước hình thành các khu công nghiệp hiện đại, chuyên sâu Kinh tế Quảng Ninh: Đột phá trên nhiều lĩnh vực, nằm trong top đầu cả nước |
Quảng Ninh trước kia thường được nhắc đến với ngành công nghiệp than nhưng những năm gần đây, khái niệm công nghiệp văn hóa đã dần trở nên quen thuộc. Thiên nhiên, con người, văn hóa là 3 trụ cột phát triển của tỉnh.
Với bề dày lịch sử, Quảng Ninh tự hào có kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, gồm trên 630 di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng, trong đó có di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, 6 di tích Quốc gia đặc biệt cùng nhiều di sản văn hóa phi vật thể quý giá. Hiện Quảng Ninh có hơn 3.600 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể là những đình, chùa, đền, miếu, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, phong tục, tín ngưỡng, lễ hội, chữ viết, tiếng nói... của 22 dân tộc. Văn hóa Quảng Ninh còn gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng, lao động sản xuất của công nhân Vùng mỏ, tiếp tục được gìn giữ, phát huy đến ngày nay. Các di sản truyền thống hiện có sức sống mạnh mẽ, nhờ được bảo tồn, khai thác một cách sáng tạo.
Quảng Ninh có tiềm năng lớn để phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Ảnh minh họa |
Bên cạnh các di tích, di sản văn hóa truyền thống, mang tính bản sắc cổ truyền các dân tộc, Quảng Ninh còn nổi tiếng với những sản phẩm ấn tượng như: Lễ hội Carnaval, Lễ hội áo dài, phố đi bộ, Liên hoan ẩm thực, âm nhạc đường phố, văn nghệ quần chúng... Cùng với đó là những điểm đến văn hóa hiện đại, là những công trình văn hóa đạt tiêu chuẩn quốc tế: Bảo tàng - Thư viện; Công viên hoa Hạ Long; Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh; Cụm Thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ...
Đáng chú ý, Quảng Ninh đã tập trung các nguồn lực đầu tư để phát triển giao thông kết nối đô thị, dịch vụ, văn hóa thể thao theo hướng đồng bộ, hiện đại... Cơ sở hạ tầng được đầu tư đã tạo điều kiện để các sự kiện văn hóa, thể thao cấp khu vực, quốc tế được tổ chức ngày càng nhiều trên địa bàn tỉnh.
Sau khi Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó xác định phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình phù hợp. Nhờ nhận diện rõ tiềm năng, thế mạnh nên thời gian qua những giá trị văn hóa đặc sắc của tỉnh Quảng Ninh đã được chọn lọc, sáng tạo, hình thành nên ngành công nghiệp văn hóa Quảng Ninh.
Trong lĩnh vực du lịch, tiềm lực văn hóa trở thành nguồn tài nguyên quý để phát triển ngành công nghiệp không khói. Bên cạnh những lễ hội đã trở thành thương hiệu như: Carnaval Hạ Long, Carnaval Mùa Đông thì các lễ hội đặc sắc của địa phương cũng được tổ chức thường niên như: Hội Mùa Vàng, Hội Hoa Sở Bình Liêu, Lễ hội Trà hoa vàng Ba Chẽ, Ngày hội Hát tháng Ba của dân tộc Sán Chỉ, Hội Kiêng gió của dân tộc Dao…, cùng bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số đã làm nên những trải nghiệm văn hóa vùng miền đặc sắc. Sản phẩm du lịch văn hóa ngày càng có những đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm cho người dân bản địa.
Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, liên tục xuất hiện những “luồng gió” mới mẻ thổi vào đời sống văn hóa Quảng Ninh. Có thể kể đến các sự kiện lớn như: Liên hoan Xiếc 3 miền, Festival Âm nhạc Quốc tế, Festival Áo dài… Điều này đã thể hiện tư duy đổi mới của Quảng Ninh trong việc xây dựng chuỗi sự kiện văn hóa điểm nhấn để tạo dấu ấn khác biệt, qua đó quảng bá, định vị thương hiệu địa phương, xây dựng nền tảng vững chắc cho phát triển công nghiệp văn hóa.
Có thể thấy, Quảng Ninh đang tạo ra những tiền đề quan trọng để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp dịch vụ, giải trí dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo. Qua đó khuyến khích sự đổi mới, nuôi dưỡng sự sáng tạo và tôn vinh được những giá trị văn hóa vô giá của vùng đất này.