Quảng Ninh
Từng bước hình thành các khu công nghiệp hiện đại, chuyên sâu
Lực hút đầu tư khủng từ những "mảnh đất vàng" Thấy gì qua chuyện một doanh nghiệp trúng nhiều gói thầu giao thông tại Quảng Ninh? Hợp tác Vinacomin - Việt Thuận và bí quyết vượt khó ít người làm được |
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023, Quảng Ninh có 23 khu công nghiệp (KCN) và trở thành một trong những địa phương có số KCN nhiều nhất cả nước. Đây đều là những KCN được tỉnh xác định là động lực, trọng điểm mời gọi, thu hút các nhà đầu tư, từng bước hình thành những khu công nghiệp hiện đại, chuyên sâu.
Nhà máy sản xuất công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar 2 tại Khu công nghiệp Sông Khoai, thị xã Quảng Yên. Ảnh Báo Nhân dân điện tử |
Trong tổng số 23 KCN được quy hoạch, hiện tại đã có 7 KCN được thành lập và có chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng: Cái Lân, Việt Hưng, Hải Yên, Đông Mai, Cảng biển Hải Hà, Sông Khoai, Dịch vụ Đầm Nhà Mạc (Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong). Các KCN còn lại đang lập, phê duyệt quy hoạch, quy hoạch phân khu, lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Đáng chú ý, để tạo ra được các dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn, động lực, tạo sức lan tỏa; thu hút được các nhà đầu tư chiến lược đóng vai trò dẫn dắt và là "thỏi nam châm lớn", Quảng Ninh định hướng hình thành từng KCN sẽ phát triển theo từng chuỗi sản phẩm, ngành nghề khác nhau; tập hợp các ngành liên kết, tương hỗ, phụ thuộc nhau để tạo nên những sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh, nhất là mạng lưới công nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Cụ thể, như các KCN: Đông Mai, Sông Khoai, Việt Hưng, Bắc Tiền Phong phát triển chuỗi công nghiệp sản xuất ô tô, cơ khí chế tạo, lắp ráp thiết bị điện, điện tử; KCN Cảng biển Hải Hà phát triển công nghiệp dệt công nghệ cao…
Trên tinh thần định hướng phát triển của tỉnh, các chủ đầu tư đã nhanh chóng huy động nguồn lực hợp pháp, cùng với sự hỗ trợ tích cực đến từ các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương trong giải quyết các thủ tục hành chính, cấp giấy chứng nhận đầu tư để đẩy nhanh tiến độ giải phóng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, tạo ra quỹ đất sạch thu hút nhà đầu tư thứ cấp.
Chính nhờ những nỗ lực này mà hiện nhiều KCN trên địa bàn tỉnh đã có sự tham gia đầu tư của nhiều nhà đầu tư chiến lược, tầm cỡ quốc tế trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, chất bán dẫn, như: Foxconn, TCL, Yazaki... cung cấp cho nhiều hãng điện tử lớn trên thế giới.
Kết quả mới đây cho thấy, tổng diện tích đất công nghiệp trong các KCN đã được cho nhà đầu tư thứ cấp thuê thực hiện đầu tư các dự án là trên 655ha, đạt tỷ lệ lấp đầy gần 52% tính theo diện tích đất công nghiệp thực tế đã được giao tại các KCN. Hiện các KCN đã thu hút được 57 nhà đầu tư thứ cấp đến đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; giải quyết việc làm cho khoảng 35.000 lao động. Tính riêng trong năm 2022, doanh thu của các doanh nghiệp FDI trong các KCN đạt 2,5 tỷ USD, doanh nghiệp trong nước đạt 3.200 tỷ đồng; kim ngạch nhập khẩu đạt 1,7 tỷ USD; xuất khẩu đạt trên 2,25 tỷ USD; nộp ngân sách nhà nước đạt 910 tỷ đồng.
Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh, cho biết, đơn vị đang tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương bám sát các quy định của Trung ương triển khai xây dựng tiêu chí đánh giá, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN và dự án đầu tư thứ cấp vào các KCN trên địa bàn tỉnh, cũng như xây dựng hồ sơ, bản đồ số các KCN. Mục tiêu là để lựa chọn được dự án đầu tư có hiệu quả, đồng thời loại bỏ những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và không có đóng góp tích cực đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.