Quảng Ngãi: Hỗ trợ huyện miền núi sản xuất theo chuỗi giá trị
Quảng Ngãi: Nâng tầm thương hiệu quế Trà Bồng Quảng Ngãi: Hợp tác xã miền núi hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của đồng bào dân tộc |
Nâng cao chất lượng nông sản vùng đồng bào dân tộc
Quảng Ngãi là tỉnh có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình) trên địa bàn cao gần gấp đôi so với bình quân chung của cả nước. Trong đó, Tiểu dự án 2 Dự án 3 về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình đang được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Gian hàng trưng bày sản vật địa phương của huyện miền núi Minh Long (Ảnh: Tiêu Dao) |
Mục tiêu của kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường. Đồng thời, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, tiến đến thực hiện đạt được các mục tiêu của Chương trình. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông sản của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Kế hoạch cũng nhằm giải quyết sinh kế cho khoảng 8.000 hộ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và các hộ khác tham gia vào các hoạt động phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng. Đối với các địa phương không có điều kiện thực hiện phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tỉnh sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để hỗ trợ triển khai thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng.
Theo đó, 58 dự án tại các huyện miền núi: Minh Long, Ba Tơ, Sơn Tây, Sơn Hà, Trà Bồng được hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Điển hình là các dự án: Liên kết gắn với sản xuất trong trồng và tiêu thụ cây dược liệu; sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quế; sản xuất, chế biến, tiêu thụ cây gừng gió; sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm tre lấy măng; sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ heo ky theo chuỗi giá trị; trồng sả chanh kết hợp chăn nuôi gia súc; …
Liên kết sản xuất quế theo chuỗi giá trị
Trong đó, dự án hỗ trợ liên kết sản xuất quế theo hình thức chuỗi giá trị được thực hiện tại 13 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Trà Bồng. Mục tiêu của dự án nhằm mở rộng diện tích cây quế, dần hình thành vùng nguyên liệu tập trung, chuỗi giá trị phát triển cây quế. Hỗ trợ tư vấn lập dự án; giống, vật tư, tập huấn chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, quảng bá xúc tiến thương mại, thiết lập mã truy xuất nguồn gốc và bao tiêu sản phẩm. Từ đó, tạo đầu ra ổn định để các hộ đồng bào Cor yên tâm chăm sóc, gìn giữ, nhân rộng diện tích quế theo từng năm.
Các sản phẩm từ quế Trà Bồng gắn với đời sống của đồng bào Cor (Ảnh: Nhị Phương) |
Mỗi năm, Công ty TNHH hương quế Trà Bồng liên kết thu mua với người dân khoảng 300 tấn quế. Hiện nay, các sản phẩm từ cây quế đã được nâng cao giá trị nhờ sự liên kết chặt chẽ hơn trong khâu trồng trọt và thu mua. Người dân trồng quế được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, sản xuất thành các sản phẩm hàng hóa tại địa phương. Nhiều vùng quế chất lượng như Trà Thủy, Trà Thọ, doanh nghiệp đã đến thu mua trực tiếp với người dân hoặc tổ chức các đại lý tại vùng quế để thu mua giúp bà con.
Đặc biệt, thời gian qua, Viện dược liệu - Bộ Y tế đã phối hợp với huyện Trà Bồng khảo sát, chọn địa điểm trồng, phát triển 15 loại cây dược liệu quý như: Bách bộ, đảng sâm Việt Nam, đương quy Nhật Bản, gừng gió (gừng sẻ), lá khôi, lan kim tuyến, quế, sa nhân tím, sâm cau, thảo quả, trầm hương... Mục tiêu đến năm 2025, huyện Trà Bồng sẽ trồng hơn 2.300 ha được liệu tại các xã: Sơn Trà, Trà Phong, Trà Bùi, Trà Tây, Trà Thanh, Hương Trà; trong đó, có 180 ha cây dược liệu dưới tán rừng, 30 ha trồng áp dụng công nghệ cao. Đồng thời, hình thành 02 khu vực bảo quản, sơ chế, chế biến và chiết suất đạt tiêu chuẩn GMP và GSP từ quế và các dược liệu khác ở Trà Bồng.
Nhân rộng mô hình trồng cây gừng gió
Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ gừng gió là 1 trong 8 dự án được hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị tại huyện miền núi Trà Bồng. Năm 2021, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Sơn Trà, xã Sơn Trà thực hiện mô hình “Trồng cây gừng gió xen canh một số loại cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày” trên diện tích hơn 1ha. Các hộ đồng bào dân tộc thiêu số tham gia mô hình này được hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, xen canh cây gừng gió.
Cây gừng gió cùng nhiều sản phẩm tiêu biểu của huyện Trà Bồng được giới thiệu tại thành phố Quảng Ngãi (Ảnh: Phạm Cường) |
Từ hiệu quả bước đầu của mô hình trồng cây gừng gió, huyện Trà Bồng đã xây dựng phương án phát triển, bảo tồn loại dược liệu này tại 6 xã phía Tây của huyện là: Sơn Trà, Hương Trà, Trà Phong, Trà Xinh, Trà Thanh và Trà Tây được khoanh vùng trồng gừng gió trên diện tích 20ha.
Gừng gió là loại cây gia vị, dược liệu quen thuộc của đồng bào Cor huyện miền núi Trà Bồng. Ngày trước, dân làng thường dùng để làm gia vị chế biến món ăn hay điều trị những bệnh thông thường như: Cảm cúm, viêm họng, ho, đau bụng... Những năm gần đây, gừng gió dần trở thành một sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Với những thuận lợi hiện nay, gừng gió đang có triển vọng trở thành cây xóa đói, giảm nghèo trên vùng cao Trà Bồng.
Ngoài sản phẩm gừng tươi, gừng gió Trà Bồng được sản xuất thành bột gừng, trà gừng, mứt gừng, cốm gừng… Trong đó, gừng tươi Trà Bồng đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh; địa danh “Trà Bồng” đã được tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Gừng gió Trà Bồng”. Tháng 4/2022, Huyện ủy Trà Bồng cũng đã ban hành Nghị quyết thông qua kế hoạch phát triển cây dược liệu năm 2021 - 2025 định hướng đến 2030. Mục tiêu đến năm 2030 sẽ khoanh vùng rừng tự nhiên, rừng phòng hộ 200 ha để phát triển các cây dược liệu quý, trong đó duy trì và phát triển 30 ha cây gừng gió.
Quảng Ngãi đã hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tham gia hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu, tiêu thụ hàng hóa tại các tỉnh; tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm địa phương; tập huấn phát triển sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, livestream bán hàng trực tuyến... |