Quảng Ngãi: Hợp tác xã miền núi hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của đồng bào dân tộc
Quảng Ngãi: Nâng tầm thương hiệu quế Trà Bồng Quảng Ngãi: Tập trung phát triển kinh tế vùng cao |
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023, tỉnh Quảng Ngãi đã dành hơn 145 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị cho các hợp tác xã, doanh nghiệp thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư. Đây là cơ hội để các hợp tác xã khai thác tốt hơn những tiềm năng, lợi thế ở từng địa phương, đưa sản phẩm đặc sản của đồng bào đến với thị trường trong và ngoài tỉnh.
Đồng bào dân tộc thiểu số huyện miền núi Sơn Tây thu hoạch lúa. Ảnh: Hải An |
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi có 57 hợp tác xã. Trong đó, 46 hợp tác xã đang hoạt động với 70% thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số. Với nhiều mô hình mới, phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị được nhân rộng, các hợp tác xã ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bước đầu đã góp phần chuyển đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết phát triển sản xuất. Nhiều hợp tác xã đã khai thác được lợi thế về điều kiện đất đai, sản phẩm đặc trưng để phát triển. Trong đó, nhiều sản phẩm đã xây dựng được nhãn mác, dán tem truy xuất nguồn gốc, giấy chứng nhận VietGAP như: Ớt xiêm, ổi, gạo lúa rẫy, măng nứa... Đặc biệt, sản phẩm của một số hợp tác xã đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh đánh giá, phân hạng đạt 3 sao như: Ớt xiêm rừng ngâm dấm, chuối hột rừng sấy khô...
Đơn cử như Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên (Sơn Tây) đóng chân trên địa bàn xã Sơn Liên với 97% dân số là người Ca Dong. Trải qua hơn 4 năm hình thành và phát triển, hợp tác xã đã liên kết cùng đồng bào Ca Dong thành lập các tổ, nhóm thực hiện các mô hình sản xuất nông sản sạch, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong các mô hình trồng bưởi, ổi soli, chuối, nghệ… Thời gian qua, hợp tác xã đã đưa nhiều nông sản sạch và các nông sản qua chế biến ra thị trường, thu hút sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng.
Đặc biệt, trung tuần tháng 6 vừa qua, hợp tác xã đã tổ chức lễ khai trương cửa hàng bán những sản phẩm nông nghiệp sạch của huyện Sơn Tây tại TP. Quảng Ngãi. Cửa hàng “Son Tay mart” của hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên là điểm giới thiệu, bày bán hơn 50 sản phẩm của các tổ hợp tác, hợp tác xã và người dân huyện miền núi Sơn Tây. Trong đó có những sản phẩm tiêu biểu của địa phương như: Thịt dê sấy của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Tân; sâm đương quy ngâm mật ong rừng của Hợp tác xã Sản xuất Nông lâm nghiệp và Thương mại dịch vụ Sơn Bua; gạo lúa rẫy Sơn Bua, măng khô, chuối rừng sấy, bột nghệ… của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên. Ngoài ra, cửa hàng còn liên kết, bày bán các sản phẩm OCOP của tỉnh, như: Tỏi Lý Sơn, mạch nha Thy Thảo, …
Cửa hàng bán những sản phẩm nông nghiệp sạch của huyện Sơn Tây. Ảnh: T.H |
Huyện miền núi Sơn Hà có hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc H’re. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, thời gian qua, Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Sơn Hà đã đẩy mạnh liên kết với các siêu thị, quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội, đăng ký thương hiệu, nhãn mác. Hợp tác xã xác định, xây dựng thương hiệu là tiền đề giúp tiêu thụ nông sản, hàng hóa của bà con thuận lợi hơn. Hiện nay, hợp tác xã chuyên cung cấp những sản phẩm đặc sản của địa phương như: Gà kiến Sơn Hà, heo ky xông khói, lạp xưởng, dồi heo ky gác bếp, ớt xiêm, các loại rau rừng … Hầu hết các sản phẩm hợp tác xã cung cấp ra thị trường được thu hái từ trong rừng và do đồng bào H”re trồng trọt, nuôi thả tự nhiên nên đảm bảo sạch, an toàn, không sử dụng hóa chất. Đến thời điểm này, tất cả những sản phẩm của hợp tác xã đều có đầu ra ổn định.
Tại huyện Ba Tơ, nhiều sản phẩm đặc sản của núi rừng nơi đây được đồng bào dân tộc thiểu số nuôi trồng hoặc thu hái từ rừng, tuy nhiên, nhiều nơi trả giá thu mua không tương xứng. Ngoài ra, do cách bảo quản của người dân chưa đảm bảo nên sản phẩm dễ bị hư, kém chất lượng. Tháng 5/2019, Hợp tác xã Nông nghiệp Cao Muôn Ba Tơ được thành lập với mục tiêu trở thành đầu mối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của bà con. Đến nay, hợp tác xã đã làm tốt vai trò của mình trong tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc như: Gạo lúa rẫy, ớt xiêm, mật ong, rượu sim, thịt trâu gác bếp... Đồng thời, hướng tới phát triển vùng nguyên liệu tại địa phương như: Trồng cây cà ri, trúc xuất khẩu sang Ấn Độ, Nhật Bản; liên kết phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Làng Teng...
Bên cạnh những mặt tích cực, phần lớn các hợp tác xã ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Quảng Ngãi quy mô còn nhỏ, số lượng thành viên ít, nguồn vốn thấp nên chưa tạo ra được các sản phẩm chất lượng với quy mô lớn. Để các hợp tác xã này phát triển bền vững rất cần có cơ chế, chính sách ưu đãi của nhà nước, nhất là nguồn vốn.
Hy vọng, với sự trợ lực của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các hợp tác xã sẽ phát huy hơn nữa vai trò, vị thế, tiếp tục liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.