Quảng Nam: Khởi sắc ở huyện miền núi Nam Giang
Quảng Nam rộn ràng vụ hoa Tết Quảng Nam: Tập trung phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc |
Nam Giang là huyện miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Nam, với 8/10 xã có cùng đường biên giới với nước bạn Lào dài 76km. Toàn huyện có 11 xã, 1 thị trấn với 63 thôn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 85%.
Hoàn thiện cơ sở vật chất điện - đường - trường - trạm
Xác định, phát triển hạ tầng kỹ thuật là yếu tố then chốt tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội, thời gian qua, huyện Nam Giang đã tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án, tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất của các dân tộc trên địa bàn.
Hiện nay, đường giao thông nông thôn được xây dựng kiên cố, bê tông hoá nối dài đến các xã, thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, thông thương, phát triển kinh tế; cơ sở vật chất điện – đường – trường – trạm cơ bản được hoàn chỉnh; đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân tại các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều cải thiện, đổi mới; tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội được tăng cường và bảo đảm…
Đầu tư kéo lưới điện quốc gia phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho đồng bào Cơ Tu ở thôn Côn Zốt (Ảnh: Đăng Nguyên) |
Đặc biệt, mới đây, Sở Công Thương tỉnh đã tiến hành nghiệm thu đóng điện thành công cho thôn Côn Zốt, xã Chơ Chun. Đây là thôn cuối cùng của huyện Nam Giang được đầu tư kéo lưới điện quốc gia phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho đồng bào Cơ Tu.
Thôn Côn Zốt, xã Chơ Chun là một trong những điểm cực cuối của huyện Nam Giang thuộc vùng biên giới, người dân nơi đây cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, trong đó việc chưa có lưới điện quốc gia cũng là khó khăn lớn.
Với quy mô hơn 4,8 km đường dây trung áp, 3,17 km đường dây hạ áp và 4 trạm biến áp với tổng dung lượng 187.5 KVA, hệ thống đã cấp điện cho hơn 130 hộ dân. Công trình đưa vào sử dụng sẽ góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân, tạo điều kiện để bà con phát triển kinh tế.
Ưu tiên phát triển sản phẩm thế mạnh
Trong những năm qua, huyện Nam Giang đã triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế vườn, rừng, trang trại. Từ đó, tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất, ưu tiên phát triển các thế mạnh về cây dược liệu (đẳng sâm, ba kích), cây cam bản địa, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, giúp hộ dân có thêm thu nhập.
Tiêu biểu như một số mô hình trồng bưởi da xanh và cam vinh ở xã Tà Bhing, Tà Pơ, Cà Dy với diện tích trên 100 ha; mô hình trồng cây chuối tiêu hồng với diện tích 2 ha tại xã Cà Dy; chăn nuôi heo cỏ bản địa tại thôn A Liêng, xã Tà Bhing…
Tại xã Tà Bhing, năm 2022 đã bắt đầu hình thành mô hình nuôi heo bản địa liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hoạt động khá hiệu quả với “đầu tàu” là Hợp tác xã nông lâm nghiệp A Liêng. Mô hình được hỗ trợ 100% nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia với kinh phí gần 1 tỷ đồng. Trong đó, hầu hết các hộ tham gia là hộ nghèo, cận nghèo. Với giá cả sản phẩm cao, đầu ra ổn định đã giúp cho người dân trên địa bàn gia tăng thu nhập, từng bước thoát nghèo. Đây cũng được xem là mô hình điểm để huyện tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới.
Giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của huyện Nam Giang tại các hội chợ, triển lãm (Ảnh: T.H) |
Đặc biệt, phát huy tiềm năng và lợi thế sẵn có, thời gian qua huyện Nam Giang nỗ lực thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Qua đó, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm đặc trưng, tăng thu nhập cho người dân. Địa phương tích cực đào tạo, tập huấn, khuyến khích các hợp tác xã cũng như hộ kinh doanh cá thể đầu tư cải tiến quy trình, ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối giao thương sản phẩm OCOP.
Qua hơn 5 năm thực hiện chương trình OCOP, đến nay, huyện Nam Giang đã có 6 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao gồm: Túi A ĐHir của Hợp tác xã dệt thổ cẩm Za Ra, rượu Tà Vạc cất Nam Giang, chuối rừng khô của Hợp tác xã sản xuất Thương mại và Dịch vụ Zơ Râm Bach, muối đặc sản Nam Giang, trà đậu đen và dưa kiệu A Điu.
Năm 2023, huyện tiếp tục triển khai thực hiện 2 sản phẩm đặc trưng để phát triển thành sản phẩm OCOP, gồm: Thịt heo đen xông khói Nam Giang của Hợp tác xã Dịch vụ - Thương mại Cà Dy và măng nứa khô của Hợp tác xã Nông lâm nghiệp La Dê.
Sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP, các sản phẩm của huyện Nam Giang, đặc biệt là sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được nhiều người biết đến, góp phần tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Qua đó, phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn theo hướng bền vững, phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm.
Trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được, huyện Nam Giang sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới - sáng tạo trong tư duy và phương thức sản xuất, huy động hiệu quả nhiều nguồn lực góp phần nâng tầm nông sản chủ lực của địa phương, nhất là các sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. |