Quảng Nam: Tập trung phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc
Kế hoạch được triển khai nhằm tăng cường phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong việc thực hiện các dự án của chương trình năm 2022. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các huyện vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong triển khai thực hiện Chương trình cho cả giai đoạn 2022 - 2025.
Thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu (Quảng Nam) được giới thiệu tại chợ phiên |
Một số mục tiêu được đề ra trong năm 2022 là: Phấn đấu đến năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số năm giảm trên 3%; số hộ được sắp xếp, ổn định dân cư 160 hộ; triển khai xây dựng mới và sửa chữa 209 công trình các loại; giải quyết đất ở cho 257 hộ; hỗ trợ hộ chưa có nhà, xóa nhà tạm cho 84 hộ; thực hiện giao khoán, bảo vệ ổn định 54.557ha rừng tự nhiên cho nhân dân quản lý bảo vệ; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung 4.346ha; trồng mới 1.220ha rừng sản xuất, lâm sản ngoài gỗ và hỗ trợ gạo cho 2.204 hộ/8.989 nhân khẩu.
Theo đó, Quảng Nam tập trung nguồn lực đầu tư để giải quyết các vấn đề bức thiết của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo thứ tự ưu tiên: Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt; sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở địa bàn đặc biệt khó khăn, nhất là vùng nguy cơ cao về thiên tai; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; bảo đảm cho người dân có thu nhập ổn định từ bảo vệ và phát triển rừng, bảo đảm sinh kế bền vững; đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu; trong đó ưu tiên các xã đặc biệt khó khăn phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong lộ trình giai đoạn 2021 – 2025.
Phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng |
Quảng Nam cũng ưu tiên một số dự án đặc thù như: Trung tâm y tế huyện Nam Trà My, chợ huyện Tây Giang, các điểm định canh định cư tập trung ở địa phương thường xuyên xảy ra thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, tính mạng của bà con; chú trọng phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chăm sóc sức khỏe, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia…
Thời gian tới, Quảng Nam tập trung thực hiện tốt 5 nhóm dự án quan trọng. Thứ nhất, bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế rừng và lâm sản ngoài gỗ. Thứ 2, tiếp tục tập trung thực hiện bố trí, sắp xếp dân cư, ổn định chỗ ở, sản xuất, phòng tránh thiên tai và biển đổi khí hậu gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Thứ ba, đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung đẩy mạnh việc chỉnh trang, cải tạo vườn tạp, rà soát và bố trí các loài cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị, chăn nuôi an toàn sinh học. Thứ tư, tăng cường bảo tồn, phát triển các ngành nghề truyền thống, gắn phát triển làng nghề với du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, du lịch vùng sâm, vùng dược liệu. Thứ năm, hỗ trợ các dự án vay vốn tín dụng chính sách xã hội.
Ưu tiên đầu tư hạ tầng thiết yếu cho các xã đặc biệt khó khăn |
Xác định tín dụng chính sách xã hội là "đòn bẩy" để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, nhất là ở vùng miền núi, giữa tháng 5 vừa qua, tỉnh Quảng Nam phối hợp Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo "Thực trạng, hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2021 và kế hoạch, giải pháp giai đoạn 2022-2025 tại khu vực miền núi các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên". Tại các địa phương miền núi, tín dụng chính sách xã hội đã làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã mạnh dạn vay vốn và làm ăn có hiệu quả. Do vậy, các địa phương đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam hỗ trợ thêm nguồn vốn giúp hộ nghèo được vay vốn xây dựng nhà ở, vốn sản xuất, kinh doanh, có thu nhập ổn định để thoát nghèo.