PGS.TS Ngô Trí Long: Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu giúp thị trường minh bạch, cạnh tranh
Nghị định 80/2023/NĐ-CP của Chính phủ nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu vừa được ban hành sau nhiều tháng lấy ý kiến.
Chia sẻ với Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng Nghị định 80/2023/NĐ-CP đã giải quyết kịp thời những tồn tại, bất cập hiện nay của cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng; góp phần kiểm soát lạm phát. Đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, việc rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống còn 7 ngày sẽ giúp giá xăng dầu trong nước tiệm cận sát với giá thị trường thế giới. Thời gian điều hành ngắn hơn cũng giúp quản lý rủi ro tốt hơn, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới gần đây biến động thất thường.
PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính. Ảnh: Moit |
Nghị định 80 cũng quy định điều chỉnh thời gian rà soát, công bố chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam; chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về cảng để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước từ 6 tháng xuống 3 tháng. Quy định này nhằm đảm bảo cập nhật kịp thời hơn giá và các loại chi phí cho doanh nghiệp, tạo động lực cho doanh nghiệp tạo nguồn xăng dầu cung ứng cho thị trường nội địa
Hiện nay, giá xăng dầu đang được điều hành theo hướng Nhà nước quy định công thức giá cơ sở đầy đủ. Giá cơ sở này sẽ làm căn cứ để cơ quan nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Việc quy định mức giá cơ sở theo một công thức cố định với các chi phí được tính dựa trên mức chi phí bình quân do các doanh nghiệp báo cáo theo hướng dẫn của Bộ Tài chính sẽ không bao giờ phản ánh đúng mức chi phí của từng doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Thời gian qua, thị trường xăng dầu thế giới có nhiều có nhiều biến động bất thường, một trong những nguyên nhân là do các chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ, tính kịp thời trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu do Nhà nước điều hành dẫn đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, không có động lực duy trì hoạt động kinh doanh. Để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung quy định về công thức giá cơ sở mặt hàng xăng dầu. Tuy vậy, theo quan điểm của ông Long, vẫn cần tiếp tục theo dõi, nếu cần thiết sửa đổi quy định về công thức giá cơ sở mặt hàng xăng dầu
Về vấn đề đại lý bán lẻ xăng dầu được mua xăng dầu từ nhiều nguồn, Nghị định mới cho phép đại lý kinh doanh xăng dầu được lấy xăng dầu từ tối đa 3 nguồn nhằm tạo cạnh tranh về chiết khấu trên thị trường. Đồng thời tăng tính chủ động cho các đại lý bán lẻ trong việc tạo nguồn, cung ứng xăng dầu.
Đánh giá cao những điểm mới của Nghị định 80/2023/NĐ-CP, tuy nhiên chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho hay chính sách nào cũng không thể giải quyết hết được những vấn đề của thực tiễn, nhất là trong lĩnh vực “nóng và nhạy cảm” như xăng dầu. Ông Long cho rằng, đến thời điểm nào đó, khi thị trường xăng dầu có sự cạnh tranh đầy đủ, không còn có những doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường, khi đó giá xăng dầu do thị trường quyết định, quỹ bình ổn giá sẽ không còn tồn tại. Khi có sự biến động giá xăng dầu, Nhà nước sẽ sử dụng các công cụ chính sách tài chính , tín dụng, chính sách thương mại điều hòa cung cầu,….để điều tiết giá cả. Nghĩa là Nhà nước không sử dụng phương thức quản lý giá trực tiếp, bằng công cụ quy định giá như hiện nay
“Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, giá thường xuyên biến động, thất thường có tác động tới mặt bằng giá, tới ảnh hưởng tới điều hành chính sách kinh tế vĩ mô. Do vậy, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xây dựng một Nghị định mới thay thế Nghị định về kinh doanh xăng dầu trình Chính phủ trong thời gian tới nhằm giải quyết tận gốc các vấn đề vướng mắc, bất cập còn tồn đọng cho phù hợp hơn với tình hình thực tiễn”, ông Long nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, đại diện một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho hay Nghị định mới cho phép doanh nghiệp bán lẻ được lấy hàng ở 3 nơi, sẽ giúp chiết khấu được cải thiện, doanh nghiệp bán lẻ sẽ giảm bớt tình trạng bị chèn ép hoa hồng như thời gian qua.
"Quy định trong Nghị định mới cho phép doanh nghiệp bán lẻ lấy hàng ở 3 nơi, sẽ mang đến tác động tích cực cho doanh nghiệp, thị trường xăng dầu, giúp tăng cường tính cạnh tranh, giảm phụ thuộc vào một nguồn cung duy nhất và tạo điều kiện cho sự đa dạng hóa trong hoạt động kinh doanh", đại diện một doanh nghiệp cho hay.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, việc sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu lần này còn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người tiêu dùng. Theo đó, khi thị trường xăng dầu được minh bạch sẽ tránh được thị trường xăng dầu bị ách tắc, người tiêu dùng mua bán sẽ thuận lợi hơn, không còn tình trạng xếp hàng mua xăng dầu như thời gian trước.
"Hiện nay các cửa hàng xăng dầu cũng được yêu cầu phải xuất hoá đơn bán lẻ. Đây là việc khó, song về lâu dài nếu được thực thi hợp lý cũng sẽ giúp cho quyền lợi của người tiêu dùng được đảm bảo", chuyên gia Vũ Vinh Phú nhận định.
Theo quy định mới, giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh vào thứ Năm hàng tuần. Ảnh minh họa |
Ngày 17/11, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu. Nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu như sau:
Thứ nhất, về công thức giá và phương thức điều hành giá xăng dầu: điều chỉnh thời gian rà soát, công bố chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về cảng, premium để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước từ 06 tháng xuống 03 tháng nhằm đảm bảo cập nhật kịp thời hơn giá và các loại chi phí cho doanh nghiệp, tạo động lực cho doanh nghiệp tạo nguồn xăng dầu cung ứng cho thị trường nội địa.
Thứ hai, về thời gian điều hành/công bố giá xăng dầu: rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 07 ngày, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Năm hàng tuần.
Thứ ba, về vấn đề đại lý bán lẻ xăng dầu được mua xăng dầu từ nhiều nguồn: cho phép đại lý kinh doanh xăng dầu được lấy xăng dầu từ tối đa 03 nguồn nhằm tạo cạnh tranh về chiết khấu xăng dầu trên thị trường, đồng thời tăng tính chủ động cho các đại lý bán lẻ xăng dầu trong việc tạo nguồn, cung ứng xăng dầu.
Thứ tư, về khâu trung gian trong kinh doanh xăng dầu: bãi bỏ loại hình Tổng đại lý bán lẻ xăng dầu nhằm giảm bớt khâu trung gian trong hệ thống phân phối xăng dầu.
Thứ năm, về quy định điều kiện kho chứa khi cấp Giấy phép thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu: Bổ sung các quy định nhằm tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; đồng thời phân cấp cho Sở Công Thương địa phương thực hiện kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định của thương nhân trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Thứ sáu, sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp thu hồi Giấy phép kinh doanh xăng dầu của thương nhân nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, tránh việc làm đứt gẫy đột ngột nguồn cung xăng dầu, đặc biệt trong những thời điểm nguồn cung xăng dầu trong nước bị ảnh hưởng, khan hiếm.
Thứ bảy, bổ sung các quy định, biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ hơn đối với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Thứ tám, sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc, bất cập còn tồn đọng cho phù hợp hơn với tình hình thực tiễn.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, Nghị định 80/2023/NĐ-CP nhằm giải quyết kịp thời những tồn tại, bất cập hiện nay của cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu, hoạt động kinh doanh xăng dầu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, kiểm soát chỉ số giá CPI và hài hòa lợi ích các bên.