Nông nghiệp công nghệ cao - Hướng đi đúng để Lâm Đồng đột phá tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Vai trò nguồn điện trong nông nghiệp công nghệ cao Xúc tiến phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nội Tây Ninh tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao |
Phóng viên Kinh tế Việt Nam đã cuộc trao đổi với TS Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng xung quanh vấn đề phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương này.
Thưa ông, năm 2022 kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều thử thách, tuy nhiên lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng vẫn có nhiều tín hiệu khả quan. Để đạt được kết quả này, Lâm Đồng đã thực hiện những giải pháp nào?
Là một trong những địa phương triển khai phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khá sớm, từ năm 2004. Trong quá trình chỉ đạo sản xuất tỉnh Lâm Đồng luôn ban hành các Nghị quyết chuyên đề về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trên cơ sở đó đưa ra những định hướng lớn cho nông dân và doanh nghiệp với những giải pháp cơ bản gồm: Thực hiện đồng bộ các giải pháp mang tính đột phá sát tình hình thực tiễn như quy hoạch sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; luôn đầu tư chiều sâu trong công tác chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao; công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển thương hiệu luôn được tỉnh quan tâm và đã tổ chức thực hiện hàng trăm đề tài, dự án nghiên cứu phục vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; một thành công lớn trong thực tiễn là các doanh nghiệp đã đầu tư, lựa chọn công nghệ, thiết bị phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái và đối tượng cây trồng, vật nuôi; xây dựng các quy trình canh tác theo tiêu chuẩn - quy chuẩn sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong toàn bộ quá trình sản xuất, đặc biệt là các khâu chăm sóc và thu hoạch nhằm giảm giá thành sản xuất. Đồng thời, trong quá trình tổ chức sản xuất, tỉnh Lâm Đồng luôn có dự báo tương đối sát với điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay, trên cơ sở đó tìm ra những thế mạnh để mở đường cho ngành nông nghiệp cất cánh, hội nhập quốc tế.
Nhờ vậy đến cuối năm 2022 toàn tỉnh ước đạt trên 65.300ha sản xuất đáp ứng các tiêu chí sản xuất công nghệ cao, chiếm 21,8% diện tích đất canh tác toàn tỉnh; giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt bình quân 430 triệu đồng/ha, chiếm trên 40% tổng giá trị sản xuất của ngành. Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác rau ứng dụng công nghệ thông minh đạt trên 02 tỷ đồng/ha/năm; sản xuất hoa ứng dụng công nghệ IoT đạt từ 3-8 tỷ đồng/ha/năm… Đặc biệt, đến nay tỉnh có tỉnh đã xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu trí tuệ 31 nhãn hiệu cho các sản phẩm đặc trưng thế mạnh của tỉnh như: Rau Đà Lạt, hoa Đà Lạt, trà B’Lao, cà phê Di Linh, cà phê Arabica Langbiang, cá nước lạnh Đà Lạt, tơ tằm Bảo Lộc...
TS. Phạm S thăm vườn cây dược liệu |
Trong quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Lâm Đồng đã gặp những khó khăn gì và tỉnh đã khắc phục thế nào, thưa ông?
Dù có nhiều đổi mới sáng tạo song trong thực tiễn sản xuất tỉnh Lâm Đồng vẫn phải đối mặt với những khó khăn cơ bản như: Sản xuất nông nghiệp vẫn còn thiếu tính ổn định do giá cả vật tư trong những năm qua luôn tăng cao hơn so với giá tăng nông sản. Và tỉnh đã có giải pháp sản xuất phân bón hữu cơ, ứng dụng cơ giới giảm lao động sống để giảm giá thành sản xuất. Ngoài ra, do quá trình đô thị hóa nhanh nên tỉnh đã tập trung lấy khoa học công nghệ làm nền tảng trong suốt quá trình sản xuất.
Thêm vào đó, khi phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì nhân tố hạt nhân, nòng cốt là các doanh nghiệp và hợp tác xã. Tuy nhiên cả 2 lực lượng này phát triển còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng; sản xuất chưa gắn với thị trường... Do đó tỉnh đã rà soát để chỉ đạo phát triển họp tác xã nông nghiệp thực chất, đồng bộ.
Một điểm khó khăn nữa là việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế; hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn về quỹ đất công sản xuất khi lập dự án đầu tư; cơ sở hạ tầng cho các khu quy hoạch sản xuất tập trung, khu công nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ. Do vậy tỉnh định hướng với tầm nhìn dài hạn về khu công nghiệp chế biến nông sản.
Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Uỷ viên Ban chấp hành TW Đảng; Phó Chủ tịch nước thăm mô hình du lịch canh nông tại phường 5, TP. Đà Lạt đạt tiêu chí quốc tế |
Địa phương đã có những cơ chế, chính sách gì để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cũng như mở rộng hợp tác quốc tế, xin ông chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp đa quốc gia?
Trong giai đoạn hiện nay và tương lai, Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), tham gia cộng đồng ASEAN, thực hiện các quy định của WTO. Do đó tỉnh Lâm Đồng luôn có những chính sách phù hợp nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và hợp tác quốc tế nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược; nâng cao trình độ quản lý Nhà nước, tiếp cận tri thức khoa học công nghệ và quản trị doanh nghiệp nắm bắt các quy định thông lệ quốc tế.
Thứ nhất, quán triệt tất cả các ngành của tỉnh về hợp tác quốc tế là yêu cầu hội nhập; cung cấp dữ liệu xác thực về điều kiện tự nhiên, tiềm năng và các chính sách khác biệt của địa phương; chính sách hỗ trợ về đất đai, xúc tiến thương mại và hỗ trợ đào tạo lao động đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư; đồng thời cam kết với các nhà tài trợ về khả năng tiếp cận và tổ chức thực hiện nguồn vốn hiệu quả vì phát triển cộng đồng.
Thứ hai, nâng cao đào tạo về kiến thức hội nhập quốc tế thông qua việc tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thu hút đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp và các quy hoạch chuyên ngành theo hướng tiếp cận đa ngành.
Thứ tư, trước mắt, tập trung xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển mạnh các vùng nông nghiệp công nghệ cao; đẩy nhanh dự án Trung tâm sau thu hoạch và Trung tâm giao dịch hoa với sự tham gia của các doanh nghiệp Nhật Bản và một số doanh nghiệp các nước tiên tiến.
Thứ năm, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp nhất là quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, quản lý chất lượng nông sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đẩy mạnh việc áp dụng các quy chuẩn trong sản xuất như VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ORGANIC...
Trong kế hoạch sắp tới, để tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh đã có kế hoạch chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, song song với việc đào tạo các chuyên gia đầu ngành, đào tạo các nhà quản trị giỏi của ngành nông nghiệp. Phát triển các mô hình hợp tác xã kiểu mới, liên kết sản xuất giữa nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp, hình thành chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn với sự tham gia của các doanh nghiệp FDI. Thu hút các dự án FDI nhằm khai thác tiềm năng; thu hút ODA để đầu tư trang thiết bị và công nghệ, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp nhằm năng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh doanh nghiệp. Tổ chức các đoàn công tác xúc tiến thương mại ở các thị trường có lợi thế tiềm năng để mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản. Chủ động lựa chọn và áp dụng các công nghệ tiên tiến của thế giới theo phương thức đi tắt, đón đầu để ngành nông nghiệp Lâm Đồng phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững trở thành một trong những trung tâm nông nghiệp khu vực Đông Nam Á.
Xin cảm ơn ông!