Tây Ninh tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Mô hình trồng rau sạch trong nhà màng tại Tây Ninh |
Ông Võ Đức Trong - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tây Ninh - cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, tổng diện tích gieo trồng đạt 174.960 ha, tăng 0,3% so cùng kỳ năm 2018. Tình hình sản xuất, trồng trọt đang chuyển dịch mạnh mẽ theo xu thế của thị trường, một số nhóm cây trồng như mía, cao su cho năng xuất thấp đã chuyển sang trồng cây ăn trái, cây hoa màu tập trung theo hướng chuyên canh bằng CNC và đạt được những thành qủa khả quan.
Theo Sở NN&PTNT, trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Tây Ninh, ngành trồng trọt hiện chiếm 80%, phần còn lại thuộc về chăn nuôi. Theo định hướng phát triển nông nghiệp giai đoạn 2017-2020, tỉnh Tây Ninh đang có kế hoạch mời gọi doanh nghiệp (DN) đầu tư sản xuất 6 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC; đẩy mạnh hợp tác, liên kết chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật với các quốc gia, vùng lãnh thổ có nền nông nghiệp phát triển. Đến thời điểm này, mặc dù trên địa bàn Tây Ninh chưa có khu hoặc vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, nhưng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng CNC đã được hình thành và không ngừng phát triển.
Để phát triển nông nghiệp tập trung, cho năng xuất và giá trị thương phẩm cao, Sở NN&PTNT đã trình UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt kế hoạch hỗ trợ chứng nhận thực hành nông nghiệp VietGAP tại 20 khu vực với khoảng 885 ha cho nông dân trồng cây ăn trái.
Hiện tại, Tây Ninh đã có 92,3 ha trồng mãng cầu VietGAP, 380 ha chuối già xuất khẩu, 1.500 ha nhãn từ chuyển đổi đất trồng lúa, gần 1.000 ha sầu riêng, 700 ha bưởi da xanh canh tác theo hướng truy suất nguồn gốc, an toàn sinh học...
Ông Huỳnh Minh Đức, nông dân chuyên trồng mãng cầu ngụ tại huyện Bến Cầu cho biết, trồng cây ăn trái theo phương thức VietGAP, ngoài cho lợi nhuận từ 250 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha, vấn đề “đầu ra” của nhà nông không còn bị bấp bênh như trước.
Ngoài cây ăn trái, 17 mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, diện tích 69,2 ha, sản lượng 4.556 tấn/năm đang được tiêu thụ mạnh. Trên địa bàn còn có 22 trang trại sản xuất rau trong nhà màng (60.000m2), trong đó 15 trang trại (58.000m2) do nông dân tự đầu tư. Các trang trại canh tác chủ yếu là rau các loại, dưa lưới, dưa lê, dưa leo. Tại huyện Trảng Bàng, 180 ha đất nông nghiệp đã được ứng dụng CNC, trong đó trồng dưa lưới trong nhà màng 21,3 ha; 70 ha trồng chuối xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản.
Ông Nguyễn Thanh Hai, nông dân tham gia trồng dưa lưới bằng phương thức CNC ở Trảng Bàng cho hay, làm nông nghiệp CNC tuy vốn đầu tư ban đầu lớn, nhưng mang lại năng suất, sản phẩm chất lượng, giá thành cao hơn. Phương thức canh tác này còn giúp lượng nước tưới, chi phí, công lao động cũng giảm đi đáng kể so với cach tác theo cách truyền thống.
Sản xuất nông nghiệp theo hướng CNC bước đầu cho kết qủa khá tốt, tuy nhiên việc ứng dụng CNC trong nông nghiệp tại địa bàn Tây Ninh còn mang tính chất thử nghiệm, manh mún, quy mô nhỏ, việc nhân rộng mô hình còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các công nghệ mới. Do vậy, khâu liên kết sản xuất theo chuỗi (sản xuất-chế biến-tiêu thụ) còn thấp, dẫn đến hiệu qủa kinh tế chưa đạt được như mong muốn.
Theo Đề án Phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung và bền vững, Tây Ninh dự định phát triển ít nhất 3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, trong đó có 15.000 ha chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao, 1.000-1.500 ha chuyên canh rau, củ, quả. Đến năm 2020, Tây Ninh có ít nhất 40% sản lượng nông sản thực phẩm được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ.
Cùng với trào lưu nhiều DN đầu tư vốn làm trang trại, nông dân chuyển đổi các loại cây trồng năng xuất thấp sang trồng cây cho năng xuất cao bằng kỹ thuật mới. Chính quyền tỉnh Tây Ninh vừa ban hành nhiều chính sách, nhằm hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025, cụ thể: Hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp hữu cơ; quy định về mức hỗ trợ lãi vay phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC... Đây chính là những động lực quan trọng, thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh Tây Ninh bứt phá, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của toàn tỉnh.