Xúc tiến phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nội
| |
Hà Nội xúc tiến phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh minh họa |
Chương trình tọa đàm này nhằm thông tin về chính sách hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của thành phố Hà Nội.
Hà Nội hiện chưa có các khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mới chỉ có 2 dự án được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư thực hiện.
Đến nay, Hà Nội mới có 5 cơ sở nuôi lợn giống ông bà, 3 cơ sở sản xuất giống cây trồng, 160 trang tại chăn nuôi lợn, 254 trại chăn nuôi gà và 7 cơ sở chế, biến, bảo quản nông sản ứng dụng công nghệ cao.
Giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố đạt 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, trong canh tác hoa, rau màu, cây ăn quả... bước đầu mới ứng dụng công nghệ cao ở một số khâu và mới quy mô nhỏ.
Theo bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nội cũng đang quy hoạch 1 khu nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Đông Anh, với quy mô 96,6 ha tập trung trồng rau, hoa, cây cảnh và thủy sản.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, công nghệ tiên tiến để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có năng suất cao, chất lượng tốt, an toàn và có sức cạnh tranh cao, đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Phong, Giám đốc Trung tâm Thông tin Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thực trạng phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta còn rất nhiều khó khăn và hạn chế.
Nguyên nhân là do vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng rất lớn, khó giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp lại không mấy mặn mà để đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng tiến bộ kỹ thuật cao chưa đồng đều, khâu tiêu thụ chưa ổn định, nhất là chính sách chưa đủ mạnh hoặc khó áp dụng.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Phong cũng giới thiệu các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào nông nghiệp công nghệ cao như chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP; tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp; hướng dẫn thực hiện Quyết định số 66/2015/QĐ-TTg thống nhất quản lý hoạt động công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao....
Tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp cũng kiến nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về đất đai. Theo các doanh nghiệp, hiện nay thiếu đất quy mô lớn để đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ theo vùng sản xuất tập trung, do vậy phải thuê đất của nhiều hộ riêng lẻ, lại thường xuyên thay đổi nên việc nhận hỗ trợ miễn giảm tiền thuê đất khó thực hiện.
Ngoài ra, việc xác lập quyền sở hữu của doanh nghiệp còn rất khó khăn và tốn kém, việc thực hiện quyền chuyển nhượng đất đai (hay chuyển nhượng quyền sử dụng đất đai đã được giao hoặc thuê) cũng rất khó khăn.
Trong khi đó, Nhà nước thu hồi quyền sử dụng đất của doanh nghiệp lại rất dễ dàng, do không tiên liệu trước được khiến doanh nghiệp thấy rủi ro trong đầu tư...
Để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng như phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các đại biểu kiến nghị, Nhà nước cần có đổi mới chính sách đất đai, cơ sở hạ tầng, hỗ trợ về nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ ưu đãi về thuế, tín dụng...
Trong đó quy hoạch đất cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần dựa trên cân đối cung cầu, lợi thế tự nhiên, kinh tế xã hội và khả năng đầu tư, giữa thực trạng và dự báo tương lai, ưu tiên đặc biệt cho các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho các mặt hàng nông sản quốc gia; đồng thời xây dựng thí điểm cơ chế nghiên cứu khoa học do doanh nghiệp đặt hàng, cùng đầu tư, nghiệm thu, sử dụng và thương mại hóa kết quả...