Những điều ít biết về nữ ''đại gia'' Nguyễn Thị Như Loan và ''sức khỏe'' tài chính của Quốc Cường Gia Lai
Nữ "đại gia không bằng đại học”
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) được biết đến là một trong những doanh nghiệp bất động sản hàng đầu khu vực phía Nam. Quốc Cường Gia Lai nổi lên với nhiều lùm xùm tai tiếng, một thời gắn với cái tên ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đô la), con trai bà Loan và cũng từng trong ban lãnh đạo doanh nghiệp này. Hiện Cường Đô la đã rút ra khỏi Quốc Cường Gia Lai và kinh doanh riêng.
Quốc Cường Gia Lai của bà Nguyễn Thị Như Loan gần đây lại tiếp tục nổi lên sau khi bị tòa tuyên phải trả 2.883 tỷ đồng trong vụ Trương Mỹ Lan và mới nhất là sự vắng mặt của bà Nguyễn Thị Như Loan “vì sức khỏe” dẫn đến việc tổ chức bất thành Đại hội đồng Cổ đông thường niên của QCG diễn ra vào ngày 30/6 vừa qua.
Đặc biệt, ngày 19/7, thông tin bà Nguyễn Thị Như Loan bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự, khiến những người trong giới bày tỏ sự tiếc nuối cho bà. Bởi, hành trình đi đến thành công của nữ đại gia này xuất phát từ một ngã rẽ khá bất ngờ.
Bà Nguyễn Thị Như Loan được biết đến là người sáng lập Xí nghiệp tư doanh Quốc Cường vào năm 1994 (sau đổi tên thành Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai) với hoạt động chủ yếu là sản xuất, kinh doanh gỗ xuất khẩu.
Dù sinh ra ở miền đất võ Bình Định (quê gốc ở Phú Yên), người phụ nữ 64 tuổi này lại có duyên với hình ảnh Tây Nguyên đầy nắng gió. Ngay từ thủa thiếu thời, bà Loan đã sớm ươm ủ khát vọng kinh doanh, thay vì lựa chọn con đường học vấn. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, bà Loan không học đại học và bắt tay ngay vào khởi nghiệp. Tuy nhiên, cuộc đời và hành trình gây dựng sự nghiệp của nữ đại gia này “chưa một lần học đại học”.
Với sự nhạy bén của mình, bà Loan nhận thấy được tiềm năng về ngành gỗ, mộc tại Gia Lai nên bà đã cùng một người bạn góp vốn và thành lập một xưởng sản xuất và chế biến gỗ dành cho xuất khẩu. Dần dà, bà lấn sân sang ngành bất động sản. Sự thăng hoa của bất động sản giúp tên tuổi của bà Nguyễn Thị Như Loan “thăng hạng” và đưa Quốc Cường Gia Lai lên một vị thế mới trong giới.
Sau khi cổ phần hóa, bà Loan có 13 năm trong vai trò là Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai để lèo lái doanh nghiệp này lớn mạnh. Sau này, theo quy định, bà Loan chỉ còn giữ chức Tổng giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai.
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai. |
Chính sự thăng hạng mạnh mẽ của lĩnh vực bất động sản, Quốc Cường Gia Lai nhanh chóng trở thành cái tên chiếm sóng thị trường. Bà Nguyễn Thị Như Loan từ chủ buôn gỗ trở thành một trong những đại gia bất động sản có tiếng với lợi nhuận kếch xù mà công ty đạt được.
Nữ đại gia Nguyễn Thị Như Loan nhiều lần được xướng tên trong danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Đơn cử như năm 2011, Nguyễn Thị Như Loan vinh dự nằm trong danh sách 100 người được vinh danh “nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” và nhận cúp “Bông hồng vàng”. Bên cạnh đó, bà còn góp mặt trong 15 người giàu nhất Việt Nam.
Theo cập nhật tới thời điểm hiện tại, số cổ phiếu trên sàn chứng khoán mà bà Loan nắm giữ tương đương 924,4 tỷ đồng. Hiện, bà Loan đứng ở vị trí 43 trong danh sách 50 nữ doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán Việt và thứ 134 trong top 200 CEO có tài sản lớn nhất sàn chứng khoán.
Lộ diện người đàn ông “bí ẩn” đồng hành cùng
Vào năm 2020, HĐQT Công ty CP Quốc Cường Gia Lai công bố bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc thôi chức vụ Chủ tịch HĐQT và thay vào đó là ông Lại Thế Hà. Cũng chính từ đây, nhiều người tò mò muốn tìm hiểu thông tin về người đàn ông “bí ẩn” này. Sau này, thông tin được tiết lộ, ông Hà chính là người đàn ông đứng sau mẹ con Cường Đô la và cùng điều hành “đế chế” Quốc Cường Gia Lai từ năm 2007 đến nay.
Ông Lại Thế Hà sinh năm 1956 tại Nam Định, là cử nhân lâm nghiệp. Ông Hà giữ chức Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc từ năm 2007. Người đàn ông kín tiếng này được mệnh danh là “cổ đông lâu năm” và cùng bà Như Loan điều hành xuyên suốt hành trình của Quốc Cường Gia Lai. Hiện, ông Hà đang nắm 597.500 cổ phần, chiếm 0,21% vốn Quốc Cường Gia Lai.
Tuy nhiên, vai trò của ông Hà không chỉ có vậy. Bởi, sau khi rời khỏi Quốc Cường Gia Lai, Cường Đô La, người con trai duy nhất của bà Như Loan đã kết hôn với Đàm Thu Trang. Trong lễ cưới, ông Lại Thế Hà cùng bà Nguyễn Thị Như Loan xuất hiện với tư cách đại diện nhà trai.
Trong lễ cưới Cường đô la và Đàm Thu Trang, ông Lại Thế Hà cùng bà Nguyễn Thị Như Loan xuất hiện với tư cách đại diện nhà trai. Ảnh: Bạch Hiền. |
Trong thiệp cưới của cặp đôi, tên ông Hà và bà Loan nằm ở bên thân sinh của nhà trai. Theo một số thông tin, ông Lại Thế Hà hơn bà Như Loan 4 tuổi, và đã trở thành “điểm tựa” cho bà Như Loan từ nhiều năm trước. Hai người đã đồng hành từ khi Quốc Cường Gia Lai còn là một xí nghiệp tư nhân ở Gia Lai. Hiện tại ông Hà chủ yếu ở Gia Lai và phụ trách mảng thủy điện, cao su của Quốc Cường Gia Lai.
Một số thông tin cho biết, ông Lại Thế Hà có người con gái thứ 2 của ông là bà Lại Thị Hoàng Yến cũng liên quan đến Quốc Cường Gia Lai một cách chặt chẽ. Vào năm 2017, bà Lại Thị Hoàng Yến giữ vai trò Tổng giám đốc Công ty TNHH Bắc Phước Kiển từng cho Quốc Cường Gia Lai vay hơn 1.200 tỷ đồng. Đây đều là các khoản vay không lãi suất, không tài sản đảm bảo.
“Sức khỏe” tài chính Quốc Cường Gia Lai hiện ra sao?
Tuy nhiên, những năm gần đây, doanh thu của Quốc Cường Gia Lai giảm mạnh do thị trường bất động sản đối mặt với nhiều khó khăn, thủ tục hành lang pháp lý chồng chéo, và nguồn vốn cho vay thắt chặt từ phía ngân hàng.
Năm 2023, Quốc Cường Gia Lai ghi nhận 432 tỷ đồng doanh thu, giảm 66% so với cùng kỳ 2022. Lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 3,2 tỷ đồng, tương đương 1/10 kết quả đạt được năm trước đó. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2023 âm gần 33 tỷ đồng trong khi năm 2022 cũng âm hơn 121 tỷ đồng.
Tới quý I/2024, kết quả vẫn chưa khả quan khi doanh thu thuần chỉ đạt 39 tỉ đồng doanh thu, giảm 77% so với cùng kỳ và lãi ròng chỉ đạt gần 1,4 tỷ.
Cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai giảm sàn ở mức giá 9.070 đồng/CP kết thúc phiên giao dịch 19/7. Ảnh chụp màn hình từ vietstock. |
Theo giải trình, công ty cho biết, do thị trường bất động sản khó khăn, thủ tục pháp lý dự án còn chồng chéo, vẫn đang trong quá trình sửa đổi hoàn thiện. Do đó, thủ tục triển khai các dự án không được giải quyết, dẫn tới doanh thu và lợi nhuận suy giảm.
Tại thời điểm 31/3/2024, tổng tài sản của tập đoàn bà Loan đạt mức 9.515 tỷ, trong đó lượng tiền mặt chỉ còn khoảng 29 tỷ đồng. Chủ yếu tài sản nằm ở giá trị hàng tồn kho với hơn 7.033 tỷ đồng.
Công ty đang ghi nhận hơn 5.161 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó 4.300 tỷ đồng nằm ở dư nợ vay ngắn hạn. Trong số này có 2.882 tỷ đồng là khoản tiền đã nhận của Sunny Island cho dự án Phước Kiển (Nhà Bè, TP. HCM).
Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/7, cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai giảm sàn ở mức giá 9.070 đồng/CP tương đương giảm 6,97% với lượng dư bán là hơn 2,7 triệu cổ phiếu. Vào thời điểm này tuần trước, cổ phiếu QCG ở mức giá 11.250 đồng/CP
Đây cũng là diễn biến ảnh hưởng xung quanh việc bà Nguyễn Thị Như Loan bị cơ quan điều tra bắt tạm giam trong quá trình mở rộng điều tra vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa và các đơn vị liên quan dự án khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, quận 4, rộng hơn 6.200 m2.