Giá tiêu 'bốc hơi' gần 30.000 đồng/kg sau khi lên mức cao kỷ lục: Đâu là lý do?
Áp lực nguồn cung hồ tiêu sẽ kéo dài? Việt Nam tăng mạnh nhập khẩu, giá xuất khẩu hồ tiêu cao ngỡ ngàng Giá hồ tiêu cao nhất 10 năm qua, nông dân kỳ vọng "được mùa được giá" |
Sau khi đạt đỉnh 180.000 đồng/kg vào ngày 12/6, giá tiêu liên tục giảm trong 3 tuần qua, với mức giảm trung bình 3.000 - 6.000 đồng/kg. So với đầu tháng 6, giá tiêu hiện đã giảm 30.000 đồng/kg. Mặc dù giá tiêu tăng cao nhưng do nhiều yếu tố về nguồn cung, giá cả mà người trồng tiêu vẫn chưa được hưởng lợi nhiều.
Diện tích trồng tiêu Việt Nam đang giảm mạnh do nhiều yếu tố như thời tiết bất lợi, giá cả bấp bênh và sự cạnh tranh của các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn như sầu riêng, cà phê. Năng suất tiêu Việt Nam cũng đang giảm mạnh trong những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Trung bình năng suất tiêu giảm từ 20 - 30%.
Trong nhiều năm qua, giá cà phê ở Việt Nam luôn thấp hơn giá tiêu. Tuy nhiên, trong năm nay, giá cà phê lại tăng mạnh hơn nhiều so với giá tiêu và có thời điểm lên đến hơn 140.000 đồng/kg. Sầu riêng cũng đang mang lại lợi nhuận gấp nhiều lần so với hồ tiêu dẫn đến nguyên nhân người trồng hồ tiêu chưa thực sự được hưởng lợi.
Thị trường hồ tiêu trong nước đang có những biến động mạnh trong thời gian gần đây. Ảnh: Thurkral |
Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho rằng vấn đề cốt lõi trong việc giữ diện tích, sản lượng hạt tiêu là phải đảm bảo được giá tốt cho nông dân để họ tiếp tục gắn bó với cây trồng này. Trong năm qua, khi VPSA tổ chức đoàn khảo sát các vùng trồng tiêu, nhiều nông dân đã nói nếu giá tiêu chỉ ở mức 50.000 - 60.000 đồng/kg thì họ không muốn trồng tiêu nữa.
Ngoài việc giữ được giá tốt cho nông dân, tăng cường sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm giá trị gia tăng cũng là giải pháp quan trọng đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng để nâng cao giá trị hạt tiêu và thu nhập cho nông dân.
Vấn đề của Việt Nam hiện nay là làm sao ổn định được sản lượng hạt tiêu ở mức từ 170.000 - 190.000 tấn để duy trì được vị thế của hồ tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới, bà Hoàng Thị Liên nhấn mạnh.
Bên cạnh những khó khăn, thị trường hồ tiêu cũng có một số tín hiệu tích cực. Theo dự báo của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu toàn cầu sẽ tăng 2,5%/năm trong giai đoạn 2023 - 2028. Điều này cho thấy, tiềm năng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Ngoài vấn đề cung cầu, tình trạng tắc nghẽn vận tải biển tiếp tục ảnh hưởng tới xuất khẩu nói chung, hồ tiêu nói riêng.
Giá cước tàu container đã tăng vọt do sự chậm trễ và việc định tuyến lại. Tình trạng tắc nghẽn tàu container cảng ở Singapore, một trong những cảng lớn nhất châu Á, đang lan sang Malaysia. Cảng container của Singapore hiện là trung tâm trung chuyển container lớn nhất thế giới, kết nối hơn 600 cảng từ 123 quốc gia và có công suất hàng năm đạt khoảng 50 triệu TEU. Các nhà phân tích dự kiến tình trạng tắc nghẽn tại các bến vận chuyển có thể kéo dài đến tháng 8.
Giá cước tăng cấy vào giá thành hàng hoá, đây cũng là yếu tố đẩy giá hồ tiêu tiếp tục tăng thời gian tới. Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 6 tháng đạt 4.365 USD/tấn, tiêu trắng đạt 5.983 USD/tấn, tăng lần lượt 922 USD đối với tiêu đen và 1.028 USD đối với tiêu trắng so với cùng kỳ 6 tháng năm 2023.
Cập nhật mới nhất về giá tiêu hôm nay (15/7), so với cuối tuần vừa qua, giá hồ tiêu tại các vùng trồng trọng điểm trong nước tiếp tục giảm từ 1.000 - 3.000 đồng/kg. Qua đó, mặt bằng giá tiêu trung bình trên thị trường nội địa lùi về quanh ngưỡng 150.000 đồng/kg. Cụ thể, ở khu vực Tây Nguyên, giá tiêu hôm nay tại Đắk Lắk giảm 3.000 đồng/kg, đạt 150.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Gia Lai giảm 2.000 đồng/kg, đạt 150.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Đắk Nông giảm 2.000 đồng/kg, đạt 151.000 đồng/kg. Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá tiêu hôm nay tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai cùng giảm 1.000 đồng/kg, còn 151.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Bình Phước giảm 2.000 đồng/kg, còn 150.000 đồng/kg. Trên thị trường thế giới, dựa trên báo giá của các doanh nghiệp xuất khẩu và giá xuất cảng tại các nước, Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) đã cập nhật giá tiêu các loại giao dịch trên thị trường quốc tế trong ngày 12/7 (theo giờ địa phương) như sau: Giá tiêu đen Lampung của Indonesia tiếp tục tăng ngày thứ 3 liên tiếp, tăng thêm 0,28%, đạt 7.211 USD/tấn; giá tiêu trắng Muntok cũng tăng 0,28%, đạt 9.182 USD/tấn. Giá tiêu đen ASTA 570 của Brazil giữ ổn định ở mức 7.150 USD/tấn. Giá tiêu đen ASTA của Malaysia giữ ổn định ở mức 7.500 USD/tấn; giá tiêu trắng ASTA của nước này cũng được giữ nguyên tại mức 8.800 USD/tấn. Giá tiêu các loại của Việt Nam cũng được giữ ổn định. Trong đó, giá tiêu đen của Việt Nam loại 500 gr/l đạt 6.000 USD/tấn; loại 550 gr/l đạt 6.600 USD/tấn. Tương tự, giá tiêu trắng của Việt Nam được giữ ổn định ở mức 8.800 USD/tấn. |