"Đại gia" thế giới mất mùa, hồ tiêu Việt sẽ chi phối xu hướng giá trên thế giới?
Giá hồ tiêu liên tục biến động mạnh
Giá tiêu hôm nay (30/6) trong khoảng 153.000 - 157.000 đồng/kg. Giá tiêu tăng 3.000 đồng/kg so với cùng thời điểm ngày hôm qua.
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk, giá hồ tiêu hôm nay được thu mua với mức 155.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Đắk Nông, giá hồ tiêu ở mức 157.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu là 153.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg.
Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 153.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu ở mức 154.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Bình Phước giá hồ tiêu được thu mua với mức 155.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg.
Những ngày vừa qua, giá tiêu biến động mạnh, tăng sốc sau đó giảm sâu. Tổng kết tuần, giá tiêu nội địa giảm trung bình 4.000 - 5.000 đồng/kg.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), là do một số doanh nghiệp xuất khẩu tạm dừng mua tiêu vì giá tiêu trong nước đã tăng quá cao. Việc tạm dừng mua này nhằm mục đích cân bằng lại thị trường hồ tiêu, vốn đang bị "đầu cơ" đẩy giá lên cao trong thời gian qua.
Tuy giá tiêu đang có xu hướng giảm, VPSA dự báo trong thời gian ngắn hạn, giá tiêu có thể sẽ có những đợt điều chỉnh giảm tiếp, nhưng sẽ không quá sâu và khó có thể về mức giá thấp như trước đây. Lý do là thị trường đã hình thành mặt bằng giá mới cao hơn so với trước đây.
Ngoài ra, nguồn cung hồ tiêu trong nước cũng đang giảm do diện tích trồng hồ tiêu thu hẹp. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2020, tổng diện tích hồ tiêu trên cả nước có hơn 130 ngàn hécta nhưng đến năm 2023, diện tích này giảm còn 120 ngàn hécta với sản lượng đạt 190 ngàn tấn. Năm 2024, ước tính sản lượng hồ tiêu chỉ còn khoảng 170 ngàn tấn, mức thấp nhất trong vòng 5 năm gần đây.
Việc giảm diện tích trồng hồ tiêu cùng với nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ổn định được cho là sẽ giúp hỗ trợ giá tiêu không giảm quá sâu trong thời gian tới.
Các chuyên gia ngành hàng cũng cảnh báo, hiện nay, lợi nhuận cây sầu riêng cao hơn nhiều so với cây hồ tiêu. Do đó, diện tích hồ tiêu có thể sẽ còn giảm do nông dân chặt hồ tiêu chuyển sang trồng sầu riêng.
Xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc - thị trường từng chiếm ưu thế trong nhiều năm - đã cho thấy sự khởi sắc trở lại trong tháng 5. Ảnh: PlantVillage |
Năm nay, giá hồ tiêu tăng cao là điều đáng mừng cho nông dân trồng tiêu để bù lại cho những năm giá xuống quá thấp (2019 và 2020). Tuy nhiên, VPSA cũng khuyến cáo bà con nông dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích trồng hồ tiêu, mà tập trung đầu tư, chăm sóc theo hướng thâm canh để cây hồ tiêu phát triển bền vững và ổn định.
Trên thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 7.106 USD/tấn; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 7.300 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA mức 7.500 USD/tấn.
Giá tiêu trắng Muntok 9.048 USD/tấn; giá tiêu trắng Malaysia ASTA ở mức 8.800 USD/tấn.
Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 6.500 USD/tấn với loại 500 g/l; loại 550 g/l mức 7.000 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 9.500 USD/tấn.
IPC đánh giá, thị trường hạt tiêu tuần này cho thấy phản ứng trái chiều, chỉ có Sri Lanka và Malaysia được báo cáo tăng.
Nhiều tổ chức và chuyên gia ngành hàng đánh giá, với việc các nước trồng tiêu lớn như Brazil, Indonesia… đều mất mùa thì tiêu Việt Nam sẽ chi phối xu hướng giá tiêu trên thế giới trong những tháng tới.
Xuất khẩu thị trường chính giảm, Trung Quốc tăng mạnh
Theo số liệu từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPSA), trong tháng 5/2024, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang các thị trường tiêu thụ chính như: Mỹ, Đức, Ấn Độ có xu hướng giảm so với tháng trước. Tuy nhiên, một số thị trường khác như: UAE, Hà Lan, Pakistan, Hàn Quốc lại ghi nhận mức tăng trưởng nhất định.
Đáng chú ý, xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc - thị trường từng chiếm ưu thế trong nhiều năm - đã cho thấy sự khởi sắc trở lại trong tháng 5. Khối lượng xuất khẩu sang thị trường này đạt 3.137 tấn, tăng gấp 4,8 lần so với tháng trước và là mức cao nhất trong 11 tháng qua.
Việc giảm diện tích trồng hồ tiêu cùng với nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ổn định được cho là sẽ giúp hỗ trợ giá tiêu không giảm quá sâu trong thời gian tới. Ảnh: Amazone |
VPSA giải thích rằng, nhu cầu nhập khẩu hồ tiêu của Trung Quốc trong những tháng đầu năm ở mức thấp do lượng tồn kho từ năm trước vẫn còn nhiều. Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ quay trở lại thị trường trong quý II này, bắt đầu với mặt hàng tiêu trắng và sau đó là tiêu đen.
Năm 2023, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam với khối lượng nhập khẩu lên đến hơn 60.000 tấn. Tuy nhiên, sang năm 2024, tình hình đã có sự thay đổi đáng kể.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh 89,4% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 4.871 tấn. Thị phần của Trung Quốc trong tổng lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm từ 35,1% xuống còn 4,5%.
Sự sụt giảm mạnh mẽ của thị trường Trung Quốc đã ảnh hưởng đáng kể đến xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam trong những tháng đầu năm 2024. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực từ một số thị trường khác như: UAE, Hà Lan, Pakistan, Hàn Quốc... có thể giúp bù đắp phần nào cho sự sụt giảm này.
VPSA dự báo nhu cầu nhập khẩu hồ tiêu của Trung Quốc sẽ tăng trở lại trong quý II/2024, góp phần thúc đẩy xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam trong thời gian tới.