Cơ hội xuất khẩu gạo Việt rộng mở
Quyết liệt giải pháp bình ổn giá lương thực, giảm rủi ro xuất khẩu gạo Bộ Công Thương tập trung giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo và rau quả Xuất khẩu gạo dự báo giữ vững vị thế hàng đầu |
Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Công Thương, sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2023 - 2024 dự kiến sẽ thấp hơn so với mức tiêu thụ, khiến thế giới thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo. Điều này mở ra cơ hội lớn cho ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam, một trong những nước sản xuất và xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Lợi thế kép
Trả lời Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay tình trạng thiếu hụt gạo toàn cầu mang lại những cơ hội lớn cho Việt Nam về giá trị xuất khẩu, mở rộng thị trường, cũng như tận dụng lợi thế từ các FTA.
Theo chuyên gia, tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ dẫn đến giá gạo trên thị trường quốc tế tăng. Việt Nam với nhiều loại gạo có chất lượng cao, có thể xuất khẩu gạo với giá tốt hơn, gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh. |
Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhiều quốc gia cần nhập khẩu gạo để bù đắp sự thiếu hụt, Việt Nam có thể mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia mới. Từ đó, giảm sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống và tăng cường sự ổn định trong xuất khẩu.
Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước và khu vực kinh tế, điều này giúp giảm thuế quan và các rào cản thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu gạo.
“Tình trạng thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trên toàn cầu là cơ hội lớn cho các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam. Bằng cách tăng cường sản xuất, nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường và tận dụng các chính sách hỗ trợ, Việt Nam không chỉ gia tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu mà còn củng cố vị thế của mình trên thị trường gạo thế giới”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia nông nghiệp, GS. Võ Tòng Xuân nhận định tình trạng thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trên thế giới là cơ hội lớn cho người dân vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng và nông dân cả nước nói chung để nâng cao năng suất và chất lượng gạo, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của Việt Nam.
“Tình trạng thiếu hụt gạo toàn cầu mở ra cơ hội lớn cho ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam. Tăng cường thâm canh, đảm bảo chất lượng sản phẩm, chủ động trong chiến lược xuất khẩu và đảm bảo an ninh lương thực trong nước, Việt Nam có thể tận dụng tối đa cơ hội này”, GS Võ Tòng Xuân khẳng định.
Làm sao tận dụng?
Tuy nhiên, để tận dụng tốt cơ hội này, GS Võ Tòng Xuân cho rằng Việt Nam cần có những chiến lược cụ thể và hiệu quả. Trong đó, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, đảm bảo chất lượng an toàn, chủ động các biện pháp an ninh lương thực trong nước là những yêu cầu cơ bản.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang đứng trước cơ hội rộng mở. Ảnh minh họa |
Theo chuyên gia, trước hết, chúng ta cần đẩy mạnh khai thác diện tích đất đang có bằng việc thâm canh tăng vụ, nhất là diện tích đất trồng lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có khoảng 1,5 triệu ha đất trồng lúa. Hiện tại, vùng này sản xuất 2 vụ mỗi năm, nhưng trong tình huống cần thiết, có thể tăng lên 3 hoặc 4 vụ. Điều này có thể làm tăng gấp đôi diện tích và sản lượng lúa gạo, tận dụng tối đa nguồn tài nguyên nước ngọt sẵn có. Tính toán cho thấy, nếu thực hiện đúng quy trình 4 vụ mỗi năm, tổng diện tích gieo trồng sẽ đạt 6 triệu ha. Với năng suất tối thiểu 5 tấn/ha và có thể đạt tới 8-10 tấn/ha, sản lượng gạo sẽ được nâng cao đáng kể. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu xuất khẩu mà còn tăng thu nhập cho người nông dân.
Bên cạnh đó, việc đảm bảo quy trình trồng lúa chất lượng và an toàn vẫn cần được duy trì. Điều này giúp nâng cao uy tín và giá trị của gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
“Việt Nam cần nâng cao hơn nữa chất lượng gạo và chủ động đưa ra giá bán nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chứ không chỉ mãi chạy theo giá của thế giới”, GS Xuân khuyến nghị.
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, để duy trì giá trị xuất khẩu và phát triển bền vững, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào cải thiện chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, và áp dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất.
“Những biện pháp này không chỉ giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế mà còn đảm bảo thu nhập ổn định và bền vững cho người nông dân”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nói.
Bộ Công Thương vừa đề xuất Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động xuất khẩu gạo, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và thuận lợi cho thương nhân xuất khẩu gạo. Việc này nhằm đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững. Về hỗ trợ xuất khẩu gạo trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai các hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, thương hiệu gạo Việt Nam, hoạt động xúc tiến thương mại để khai thác hiệu quả lợi thế từ hiệp định thương mại tự do (FTA) nhằm đa dạng hóa, chiếm lĩnh thị trường mới, tiềm năng và nâng cao sức cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam. Bộ Công Thương cho biết sẽ chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các văn phòng xúc tiến thương mại, trung tâm giới thiệu sản phẩm Việt Nam hỗ trợ thương nhân xuất khẩu gạo thiết lập các kênh phân phối trực tiếp; triển khai hoạt động quảng bá gạo Việt Nam, đặc biệt là gạo chất lượng cao, có giá trị gia tăng cao thâm nhập các thị trường khó tính, thị trường ngách. |