Xuất khẩu gạo dự báo giữ vững vị thế hàng đầu
Năm 2024, xuất khẩu gạo Việt Nam làm gì để giữ vững “phong độ”? Đột phá chiến lược mô hình phát triển ngành lúa gạo Việt Nam Quyết liệt giải pháp bình ổn giá lương thực, giảm rủi ro xuất khẩu gạo |
Mặc dù phải đối mặt với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại nhiều địa phương, nhưng tình hình sản xuất lúa gạo trong 5 tháng đầu năm 2024 vẫn đạt được những kết quả tích cực.
Theo số liệu mới nhất từ Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), diện tích lúa gieo cấy đến giữa tháng 5 đạt gần 4,2 triệu ha, tương đương 99% so với cùng kỳ năm ngoái. Diện tích lúa đã thu hoạch là 2,64 triệu ha, cho sản lượng ước đạt trên 17,84 triệu tấn, vượt 2% so với cùng kỳ 2023.
Năm nay, dự báo ngành lúa gạo sẽ thu về khoảng 43,4 triệu tấn thóc |
Đáng chú ý, năng suất lúa bình quân đạt 67,6 tạ/ha, tăng 1,2% so với năm trước. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy việc áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống lúa mới vào sản xuất đã phát huy hiệu quả, giúp nâng cao năng suất và sản lượng mặc dù diện tích đất sản xuất không tăng.
Để đạt được kết quả trên, các địa phương đã chủ động triển khai nhiều biện pháp đồng bộ như chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, điều chỉnh lịch thời vụ gieo trồng, nâng cao hiệu quả tưới tiêu, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhiều mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường cũng đã được nhân rộng, góp phần nâng cao giá trị nông sản.
Dự báo cả năm, diện tích lúa cả nước ước đạt 7,09 triệu ha, năng suất trung bình 61,2 tạ/ha, mang về sản lượng khoảng 43,4 triệu tấn thóc, chỉ giảm nhẹ khoảng 35 nghìn tấn so với năm 2023. Con số này cho thấy sự ổn định của sản xuất lúa gạo trong bối cảnh tình hình thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp.
Trong đó, sản lượng lúa tại vùng trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến rất khả quan với con số 24,2 triệu tấn. Sau khi đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và dùng làm giống, thức ăn chăn nuôi, khu vực này vẫn còn dư khoảng 15,2 triệu tấn lúa hàng hóa, tương đương 7,6 triệu tấn gạo phục vụ xuất khẩu.
Nhóm gạo chất lượng cao khoảng 3,20 triệu tấn; nhóm gạo thơm, đặc sản khoảng 2,50 triệu tấn; nhóm gạo chất lượng trung bình khoảng 1,15 triệu tấn; nhóm nếp khoảng 0,75 triệu tấn, trong đó: Lượng gạo xuất khẩu dự kiến phân bổ đều trong năm với 4,38 triệu tấn trong 6 tháng đầu năm và 3,22 triệu tấn trong 6 tháng cuối năm.
Với kết quả trên, ngành sản xuất lúa gạo năm nay được đánh giá sẽ tiếp tục ổn định, giữ vững vị thế xuất khẩu hàng đầu. Đây cũng là tín hiệu tích cực đối với an ninh lương thực của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, ngành lúa gạo năm 2024 vẫn đối mặt nhiều khó khăn thách thức như thời tiết cực đoan, dịch bệnh trên đồng ruộng... Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các giải pháp nhằm hạn chế thiệt hại, ổn định sản xuất trong những tháng cuối năm.
Trong đó, tập trung tái cơ cấu ngành hàng theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị; khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, cần tăng cường bảo vệ và phát triển nguồn gen quý hiếm, xây dựng thương hiệu cho các giống lúa đặc sản, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.