Nhận diện những thách thức trong tăng trưởng xanh và chuyển đổi số
Sức ép "tăng trưởng xanh" với xuất khẩu nông sản vào EU Việt Nam kêu gọi đầu tư vào tăng trưởng xanh, phát triển bền vững |
Nhiều thách thức trong tăng trưởng xanh và chuyển đổi số
Tại Diễn đàn Nhịp cầu phát triển lần thứ ba năm 2023 với chủ đề “Đột phá cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên: Tăng trưởng xanh và Chuyển đổi số trong chiến lược phát triển bền vững” diễn ra tại TP. Đà Nẵng ngày 17/3, các nhà quản lý, chuyên gia đều khẳng định tăng trưởng xanh và chuyển đổi số là tất yếu để phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, còn nhiều thách thức trong 2 lĩnh vực này.
Biến đổi khí hậu, thiên tai bão lũ ở các địa phương ven biển Việt Nam là rất lớn và ngày càng có xu hướng tăng |
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, tiến trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số đang mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy tăng trưởng theo hướng nhanh và bền vững cho các quốc gia trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên tiến trình này cũng đặt ra những thách thức về khoảng cách phát triển, nguy cơ gia tăng bảo hộ thương mại, nhiều nước phát triển đang đẩy mạnh điều chỉnh chính sách kinh tế - thương mại gắn với các tiêu chí bền vững.
Tại Việt Nam, việc chuyển mình từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu dựa trên các loại nhiên liệu sinh khối truyền thống, sang nền kinh tế hỗn hợp hiện đại, đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng nhanh, kéo theo các thách thức về bảo đảm an ninh năng lượng, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, đòi hỏi Việt Nam phải tập trung xử lý trong nhiều năm tới.
Đồng quan điểm, bà Stefanie Stallmeister - Giám đốc Danh mục dự án của hàng thế giới (WB) tại Việt Nam - cho rằng thiên tai, rủi ro ở các địa phương ven biển Việt Nam là rất lớn và ngày càng tăng. Bên cạnh đó, mặt khác của tăng trưởng xanh là chương trình khử carbon. Mặc dù Việt Nam là quốc gia phát thải ít khí nhà kính 4 theo tiêu chuẩn toàn cầu, nhưng cường độ tăng trưởng carbon đang gia tăng và đây là một vấn đề đối với nền kinh tế toàn cầu hóa. “Tôi cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm lượng khí thải carbon trong hàng xuất khẩu của Việt Nam để đảm bảo hàng xuất khẩu của Việt Nam duy trì tính cạnh tranh. Người tiêu dùng, nhà nhập khẩu và nhà đầu tư ngày càng chú ý đến các nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu và có thể bắt đầu bỏ rơi các quốc gia và ngành công nghiệp gây ô nhiễm cao trong tương lai”, bà Stefanie Stallmeister dự báo và cho rằng: “Đã đến lúc phải đảm bảo rằng các ngành sản xuất ở Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh có thể tiếp cận các nguồn năng lượng tái tạo, không xả thải và sản phẩm có thể được xuất khẩu thông qua chuỗi hậu cần carbon thấp”.
Bà Stefanie Stallmeister - Giám đốc Danh mục dự án của hàng thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng đã đến lúc sản xuất Việt Nam không xả thải và sản phẩm có thể được xuất khẩu thông qua chuỗi hậu cần carbon thấp |
Song song với đó, đại diện WB Việt Nam cũng chỉ ra nhiều thách thức trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số Việt Nam. Đó là các chương trình hỗ trợ nâng cấp công nghệ tại Việt Nam hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng; các chương trình này rời rạc, thiếu sự phối hợp giữa các bộ ngành, các địa phương. Bên cạnh đó là hạn chế về lao động STEM có tay nghề cao. “Gần 80% các công ty sản xuất đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công nhân lành nghề”, bà Stefanie Stallmeister nói.
Ba công nghệ xanh “thay đổi cuộc chơi” mà Việt Nam có thể “đi tắt, đón đầu”
Ông Bruce Delteil - Giám đốc điều hành, McKinsey & Company Việt Nam - cho rằng tăng trưởng xanh và chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam cũng như đảm bảo rằng Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu giảm phát thải.
Theo ông Bruce Delteil, Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu net – zero với công nghệ hiện tại, nhưng nếu không ứng dụng công nghệ số, đổi mới kỹ thuật công nghệ và kỹ thuật số thì tiến trình này sẽ chậm hơn và tốn kém hơn.
Ông Bruce Delteil, Giám đốc điều hành, McKinsey & Company Việt Nam cho rằng Việt Nam có thể đón đầu công nghệ trong thúc đẩy năng lượng tái tạo, công nghiệp xanh |
Gợi mở giải pháp để phát triển nền kinh tế bền vững, Giám đốc điều hành, McKinsey & Company Việt Nam cho rằng Việt Nam có thể tập trung “đi tắt, đón đầu” 3 công nghệ xanh. Đó là, ứng dụng công nghệ số vào thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo – lĩnh vực có tiềm năng lợi thế của Việt Nam. Bên cạnh đó, hướng đến nền công nghiệp xanh thông qua việc tạo các cụm công nghệ xanh, khu công nghiệp xanh, chuyển các ngành công nghiệp đang có sẵn sàng ứng dụng công nghệ xanh như xây dựng cơ sở dữ liệu/trung tâm dữ liệu trong sản xuất công nghiệp; hydro xanh, hàng hóa xanh dựa trên quy trình sản xuất công nghệ cao. Và thứ 3 là nghiên cứu và có lộ trình phát triển hydrogen xanh/anomiac xanh để sử dụng trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chính phủ Việt Nam đang tích cực triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững như cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050; cam kết giảm phát thải metan toàn cầu… Việt Nam cũng đạt nhiều kết quả tích cực trong lĩnh vực chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam đạt trung bình khoảng 38%/năm. Năm 2022, giá trị kinh tế số của Việt Nam đạt khoảng 23 tỷ USD.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định Việt Nam đang có những hành động mạnh mẽ trong thúc đẩy tăng trưởng xanh và chuyển đổi số hướng đến mục tiêu phát triển bền vững |
Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, để thúc đẩy tăng trưởng xanh và chuyển đổi số có thể đạt được những kết quả có tính “đột phá”, “bứt phá” cần quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, triển khai các biện pháp một cách quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là trong đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước, tổ chức triển khai thực hiện.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đồng thời nhấn mạnh trong quá trình thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số luôn cần có sự đồng hành, hỗ trợ và hợp tác hiệu quả của các quốc gia, các tổ chức quốc tế cũng như của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. “Chính phủ và các địa phương liên quan sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các đối tác, doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội và triển khai các hoạt động hợp tác; đồng hành cùng các đối tác để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định.