Nhận diện chân dung doanh nghiệp FDI Hoa Kỳ hoạt động tại Việt Nam
Doanh nghiệp FDI chiếm 69% kim ngạch xuất nhập khẩu Doanh nghiệp FDI nhập khẩu hơn 75 tỷ USD máy vi tính, sản phẩm điện tử Doanh nghiệp FDI ngại niêm yết |
Đây là nhận định nêu trong khảo sát liên quan đến doanh nghiệp FDI của Hoa Kỳ và một số nước vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố.
Kết quả khảo sát cho biết các doanh nghiệp Hoa Kỳ có xu hướng lựa chọn địa điểm đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận và chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực như dịch vụ, thông tin, truyền thông. So với doanh nghiệp một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc, doanh nghiệp Hoa Kỳ ít gặp các khó khăn liên quan đến thị trường, nhưng quy định, thủ tục hành chính qua khảo sát cho thấy đang là rào cản ngày một lớn hơn đối với họ.
Một tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp Hoa Kỳ hài lòng về chất lượng lao động tại địa phương song doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng khá chú trọng việc phân bổ chi phí đáng kể phát triển lực lượng lao động.
Doanh nghiệp FDI Hoa Kỳ giữ chân lao động dài hơn các doanh nghiệp khác. Ảnh: TTXVN |
Theo các chuyên gia, việc tỷ lệ doanh nghiệp Hoa Kỳ cho biết không gặp khó khăn đáng kể tại Việt Nam cao hơn doanh nghiệp FDI các nước khác có thể đến từ việc doanh nghiệp Hoa Kỳ phần lớn hoạt động trong các lĩnh vực ít có biến động về thị trường hoặc ít gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng so với doanh nghiệp FDI đến từ các quốc gia khác.
Nhìn chung, các doanh nghiệp Hoa Kỳ mong đợi nhiều hơn về một quy trình thủ tục hành chính hiệu quả hơn với việc tỷ lệ doanh nghiệp Hoa Kỳ phản ánh nhiều lĩnh vực thủ tục hành chính còn phiền hà cao hơn doanh nghiệp FDI từ các quốc gia khác. Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp Hoa Kỳ cho rằng thủ tục về bảo hiểm xã hội, đăng ký đầu tư và đất đai, giải phóng mặt bằng cao hơn gấp đôi so với doanh nghiệp FDI khác.
Liên quan đến tính năng động và hỗ trợ của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp Hoa Kỳ giữ kỳ vọng cao hơn các nhà đầu tư khác. Tỷ lệ số doanh nghiệp Hoa Kỳ được khảo sát đánh giá tính tích cực của khía cạnh quản trị này thấp hơn đáng kể so với các doanh nghiệp FDI. Đáng chú ý là tỷ lệ doanh nghiệp Hoa Kỳ giữ quan điểm trung lập về vấn đề này lại cao hơn tỷ lệ chung của khối doanh nghiệp FDI.
Liên quan đến lĩnh vực nhân sự, kết quả khảo sát cho thấy cũng giống như nhiều doanh nghiệp FDI khác, doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động có tay nghề cao, đặc biệt là ở các vị trí giám sát và quản lý nhưng ở mức độ thấp hơn khi tuyển dụng tất cả các loại hình công việc, ngoại trừ vị trí kế toán.
Tuy nhiên, khảo sát cũng cho thấy, thời gian giữ chân nhân viên của các doanh nghiệp FDI Hoa Kỳ dài hơn so với các doanh nghiệp đến từ các nước khác. Đáng chú ý, việc đầu tư rõ rệt vào nhân sự của các doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể liên quan đến địa điểm hoạt động và các ngành công nghiệp của họ. Doanh nghiệp Hoa Kỳ thường lựa chọn đặt tại các thành phố có chi phí sinh hoạt cao hơn, lĩnh vực hoạt động đòi hỏi lao động có tay nghề cao hơn.