Nhà ở xã hội: Diện tích đất quy hoạch tăng nhưng các địa phương chưa quan tâm đầu tư
Cụ thể, theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, trên địa bàn cả nước đã quy hoạch 1.249 khu đất với quy mô 8.390 ha làm nhà ở xã hội. Trong khi đó, báo cáo năm 2020, quỹ đất chỉ là 3.359 ha. Như vậy, diện tích đất phát triển nhà ở xã hội đến nay đã tăng thêm 5.031 ha.
Diện tích đất nhà ở xã hội đã tăng hơn 5.000 ha so với năm 2020. Ảnh: VGP |
Đặc biệt, có một số địa phương quan tâm đến việc quy hoạch quỹ đất phát triển nhà ở xã hội như: Đồng Nai 1.063 ha, TP. Hồ Chí Minh 608 ha, Long An 577 ha, Hải Phòng 471 ha, Hà Nội 412 ha.
Dù vậy, ở một số địa phương trọng điểm (có nhu cầu cao về nhà ở xã hội), việc đầu tư nhà ở xã hội còn hạn chế so với mục tiêu của Đề án đến năm 2025.
Chẳng hạn, Hà Nội mới chỉ có 3 dự án, 1.700 căn đáp ứng 9%, TP. Hồ Chí Minh có 7 dự án, 4.996 căn đáp ứng 19%, Đà Nẵng 05 dự án, 2.750 căn đáp ứng 43%...). Thậm chí, một số địa phương không có dự án nhà ở xã hội khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay như: Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Long An, Quảng Ngãi,...
Theo đó, giai đoạn từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô hơn 411.000 căn hộ (trong đó 71 dự án đã hoàn thành với quy mô gần 40.0000 căn; 127 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô gần 108.000 căn; 301 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 265.500 căn).
Thực tế nhiều địa phương chưa quan tâm
Trong khuôn khổ Hội nghị Đề án “Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội” diễn ra sáng nay (22/2) đã chỉ rõ, nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp; chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm.
Ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại Hội nghị triển khai Đề án “Xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030”. Ảnh: BTC |
Bên cạnh đó, ngoài quỹ đất 20% nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, hầu hết các địa phương chưa quan tâm đến việc quy hoạch bố trí quỹ đất làm dự án nhà ở xã hội độc lập.
Ngoài ra, nhiều địa phương chưa quyết tâm, chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao tại Đề án; chưa ban hành Kế hoạch triển khai Đề án để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra.
Tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng dù tập trung nhiều người lao động thu nhập thấp, có nhu cầu về nhà ở xã hội cao nhưng địa phương đăng ký hình thành nhà ở xã hội trong năm 2024 thấp như: Hà Nội 1.181 căn, TP. Hồ Chí Minh 3.765 căn, Đà Nẵng 1.880 căn, Cần Thơ 1.535 căn...
Thêm nữa, các cấp chính quyền địa phương chưa quan tâm, tạo điều kiện trong việc lựa chọn chủ đầu tư dự án để triển khai đầu tư xây dựng; một số dự án nhà ở xã hội đã khởi công nhưng các doanh nghiệp không triển khai thi công hoặc thi công chậm tiến độ; các cấp chính quyền địa phương chưa quyết tâm giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các dự án nhà ở xã hội theo thẩm quyền.
Ngoài ra, vấn đề còn nằm ở việc cải cách thủ tục hành chính, các cơ chế khuyến khích, ưu đãi thêm của địa phương để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Chỉ đạo quyết liệt, cụ thể để hoàn thành mục tiêu năm 2024
Để hoàn thành mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đã giao trong năm 2024, cả nước hoàn thành khoảng 130 nghìn căn hộ nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng triển khai, thực hiện các nhiệm vụ.
Theo đó, các địa phương căn cứ mục tiêu của Đề án và chỉ tiêu theo phụ lục nhà ở xã hội hoàn thành trong năm 2024, khẩn trương lập kế hoạch triển khai cụ thể việc đầu tư các dự án nhà ở xã hội đảm bảo mục tiêu đề ra.
Cụ thể, với các dự án đã khởi công, xây dựng đề nghị các địa phương thường xuyên đôn đốc để hoàn thành dự án ngay trong năm 2024; hướng dẫn, tạo điều kiện các dự án được nghiệm thu, đưa vào sử dụng theo đúng quy định pháp luật.
Với các dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư cần khẩn trương triển khai các thủ tục lựa chọn chủ đầu tư; giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; lập, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật; cấp phép xây dựng;... để khởi công, xây dựng ngay trong năm 2024.
Đối với các quỹ đất nhà ở xã hội chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư cần khẩn trương lập quy hoạch; thẩm định báo cáo tiền khả thi; cập nhật dự án vào chương trình kế hoạch của địa phương... để hoàn thành thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.
Nhanh chóng lập, phê duyệt và công bố công khai Danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập phải lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu (được hướng dẫn tại Thông tư 09/2021/TT-BXD ngày 16/8/2021 và Thông tư số 03/2023/TT-BXD ngày 28/4/2024 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng) để các doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, đề xuất tham gia.
Ngoài ra, cần đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt; trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thì thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn các chủ đầu tư khác thực hiện.
Bên cạnh đó có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.
Về phía doanh nghiệp, các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lập tiến độ, chuẩn bị nguồn lực, tài chính, áp dụng công nghệ mới nhằm rút ngắn thời gian thi công.