Ngân hàng Nhà Nước: Không đặt vấn đề tăng lãi suất trong năm 2024
Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5-2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường. Các tổ chức tín dụng cũng được chỉ đạo tiết giảm chi phí và áp dụng đồng bộ các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đến nay, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng hơn 2,0%/năm so với cuối năm 2022.
Lãi suất cho vay ở tất cả các kỳ hạn đang thấp nhất 20 năm qua (Ảnh minh họa) |
Tại họp báo về triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, thời điểm đầu năm 2023, lãi suất là câu chuyện rất gay gắt, đến giữa năm vẫn tiếp tục gay gắt vấn đề gia hạn lãi suất cho doanh nghiệp nhưng đến giai đoạn cuối năm, các ngân hàng thương mại đã có ý thức rất cao trong vấn đề giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Chính vì vậy, đến nay mức lãi suất cho vay trung bình đã rất thấp.
Theo ông Đào Minh Tú, lãi suất giảm về mức thấp nhất trong 20 năm vừa qua, nhiều ngân hàng thương mại nói lãi suất không thể thấp hơn được nữa. Tinh thần chỉ đạo của NHNN là các ngân hàng vẫn tích cực tiết kiệm chi phí để lấy cơ sở hỗ trợ nền kinh tế. Về mặt điều hành, NHNN không đặt vấn đề tăng lãi suất trong năm 2024. Ngoài ra, điều hành lãi suất còn phải dựa trên diễn biến kinh tế thế giới và các cân đối vĩ mô lớn.
Đại diện NHNN cho biết, lãi suất qua đêm giữa các ngân hàng hiện đang rất thấp ở mức 0,2 - 0,3%, tạo điều kiện rất tốt để các tổ chức tín dụng có dư địa cho vay với lãi suất thấp. Lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng thương mại tại các giao dịch mới phát sinh ở mức 3,9%/năm, lãi suất cho vay bình quân tại các giao dịch mới phát sinh ở mức 6,7%/năm, giảm trên 2% so với thời điểm cuối năm 2022. Do đó, lãi suất huy động và cho vay tại các ngân hàng ở thời điểm hiện tại đang thấp hơn khá xa so với trước đại dịch Covid-19.
Để đạt được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng như các chỉ đạo điều hành cụ thể của NHNN trong suốt một năm qua.
Giải thích về nguyên nhân lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, trong thời gian qua, mặt bằng lãi suất huy động giảm nhanh chóng, hiện tại bình quân lãi suất huy động tại các giao dịch mới phát sinh chỉ ở mức 3,9%/năm. 80% nguồn vốn của các ngân hàng thương mại hiện nay đến từ ngắn hạn, 20% đến từ trung và dài hạn. Trong khi đó, trên 50% dư nợ tín dụng do trung và dài hạn.
“Dù lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại có xu hướng giảm trong thời gian dài nhưng 50% dư nợ tín dụng lại nằm ở cho vay trung và dài hạn nên đương nhiên lãi suất cho vay trung và dài hạn có độ trễ rất xa xo với lãi suất huy động. Các ngân hàng cho vay trung và dài hạn thường dựa vào lãi suất trung và dài hạn 12 tháng hoặc 20 tháng cộng với biên độ, dẫn đến lãi suất cho vay trung và dài hạn sẽ giảm chậm hơn rất nhiều”, ông Quang cho biết.