Nan giải xử lý hàng giả hàng nhái phụ tùng ô tô, xe máy
Liên tiếp phát hiện vi phạm
Hiện tượng hàng giả hàng nhái các sản phẩm xe máy, phụ tùng ô tô, xe máy của một số nhà sản xuất nổi tiếng đang ở mức đáng lo ngại khi hiện nay các mặt hàng này đang được bày bán công khai không chỉ ở môi trường truyền thống mà còn tràn lan trên các nền tảng thương mại điện tử. Đặc biệt, gây lãng phí tiền bạc, thời gian, thậm chí là đe dọa nghiêm trọng tới sự an toàn của người tiêu dùng trong quá trình sử dụng xe.
Dù vậy, phần lớn người tiêu dùng vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc sử dụng phụ tùng chính hãng. Chính tâm lý ham rẻ đã khiến nhiều người chịu cảnh “tiền mất tật mang” bởi chỉ sau một thời gian ngắn, xe lại bắt đầu có những hư hỏng nặng hơn do phụ tùng giả, nhái chất lượng kém, độ bền thấp, không tương thích/tương thích kém với các bộ phận khác của xe và cả trường hợp do chuyên môn kỹ thuật của thợ sửa chữa không đạt yêu cầu.
Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2022, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) đã phát hiện và phối hợp cùng cơ quan chức năng xử lý 292 trường hợp bán hàng giả, hàng nhái.
Lực lượng Quản lý thị trường đang làm việc với đại diện cửa hàng kinh doanh phụ tùng xe máy trong chợ Tân Thành |
Trên thực tế vừa qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp phụ tùng ô tô, xe máy làm bị làm giả, làm nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ trên thị trường. Đơn cử, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng cục Quản lý thị trường, vừa qua, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường phối hợp với Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đồng loạt kiểm tra các cửa hàng kinh doanh phụ kiện, đồ trang trí xe máy có quy mô lớn tại chợ Tân Thành (thuộc phường 12, quận 5, TP.Hồ Chí Minh). Công tác kiểm tra tập trung vào thủ tục pháp lý, hồ sơ chứng từ nguồn gốc hàng hóa.
Qua nhận định ban đầu, phần lớn hàng hóa kinh doanh tại đây đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu giả mạo nhiều nhãn hiệu lớn như Honda, Yamaha, Suzuki. Ước tính số lượng vi phạm ở đây lên tới hàng chục nghìn sản phẩm.
Tiếp tục chương trình kiểm tra theo kế hoạch, trưa ngày 30/12, dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 2, Đội Quản lý thị trường số 3 thuộc Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh chia thành nhiều tổ đồng loạt kiểm tra 09 cửa hàng kinh doanh thiết bị, phụ kiện âm thanh xe hơi tại đường An Dương Vương, phường 4, quận 5, TP. Hồ Chí Minh.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận rất nhiều sản phẩm là phụ tùng, linh kiện, đồ trang trí ô tô được đựng trong túi ni lông, thùng giấy với nhiều mẫu mã, thương hiệu khác nhau. Bên cạnh hàng hóa được bày bán còn có rất nhiều hàng hóa được lưu trữ trong kho của các cửa hàng. Các chủ cửa hàng chưa xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Bước đầu, lực lượng chức năng nhận định nhiều hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và các mặt hàng có dấu hiệu đã qua sử dụng.
Lực lượng chức năng tiếp tục đồng loạt kiểm tra phố bán linh, phụ kiện ô tô nổi tiếng tại thành phố Hồ Chí Minh |
Hay trước đó, Đội số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường Long An vừa phát hiện, xử lý 04 hộ kinh doanh trên địa bàn đang kinh doanh nhiều sản phẩm phụ tùng xe gắn máy giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng. Trước đó, lực lượng chức năng tỉnh Long An cũng kiểm tra phát hiện nhiều sản phẩm hàng hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Honda của Công ty Honda Moto và nhãn hiệu Yamaha của Công ty Yamaha Moto.
Bên cạnh đó, thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam - (VAMM) giai đoạn 2016 - 2021, mỗi năm có khoảng 31.000 phụ tùng xe máy giả bị thu giữ, phương thức vi phạm đang ngày càng tinh vi hơn, hàng chủ yếu bán trên kênh online. Dễ dàng thấy các trang thương mại điện tử uy tín như Shopee hay Lazada bày bán rất nhiều hàng giả, hàng nhái không rõ nguồn gốc nhưng lại ghi hàng chính hãng.
Phối hợp ngăn chặn
Theo ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ - Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xảy ra trên mọi lĩnh vực, địa bàn, ở cả khu vực sản xuất, lưu thông và xuất nhập khẩu, với mọi loại hàng hóa, từ hàng tiêu dùng thông thường đến các hàng hóa có giá trị cao, hàng hóa có chức năng quan trọng. Hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ sản xuất ở Việt Nam, mà còn sản xuất cả ở nước ngoài và đưa về Việt Nam tiêu thụ.
Bên cạnh đó, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đối với các mặt hàng phụ tùng, phụ kiện xe máy nói riêng, hàng hóa nói chung xuất hiện chẳng những ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, an toàn tính mạng của người sử dụng. Dưới góc độ kinh tế, hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang làm phương hại rất lớn đến cả lợi nhuận và uy tín của những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, tạo tác động tiêu cực đến quyết định đẩy mạnh đầu tư của các doanh nghiệp này - ông Nguyễn Đức Lê cho hay.
Để nâng cao hiệu quả công tác phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử, Bộ Công Thương đã xây dựng cổng giải quyết tranh chấp trực tuyến online.gov.vn tiếp nhận thông tin, gửi khiếu nại, phản hồi thông tin phối hợp xử lý… Đồng thời, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Y tế, các cơ quan liên quan gỡ bỏ các gian hàng, sản phẩm vi phạm.
Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ - kiến nghị cần sự tham gia quyết liệt của các hiệp hội chung tay cùng doanh nghiệp đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc. Đồng thời, cần phải có những công cụ, giải pháp được pháp luật thừa nhận nhằm hỗ trợ lực lượng quản lý thị trường thực thi nhiệm vụ.