Mường Chà – Điện Biên: Tập trung triển khai các dự án phát triển sản xuất vùng đồng bào dân tộc
Điện Biên: Mật ong Chà Nưa – sản phẩm OCOP 3 sao của huyện biên giới Điện Biên: Hỗ trợ huyện vùng cao phát triển các dự án sản xuất cộng đồng |
Mường Chà là huyện miền núi, biên giới của tỉnh Điện Biên, có 13 dân tộc anh em cùng sinh sống, gần 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Nền kinh tế của huyện chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 50%. Vì vậy, ngay từ khi triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Mường Chà đã tập trung triển khai nhanh, quyết liệt các dự án liên quan trực tiếp đến sản xuất, trọng tâm là tái cơ cấu nông nghiệp.
Theo đó, đến nay toàn huyện Mường Chà đã triển khai 72 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Tổng nguồn vốn hỗ trợ năm 2023 ước đạt 1.210 triệu đồng, trong đó có một phần nguồn vốn từ Dự án 3 "Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng thế mạnh của các vùng miền núi để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị" thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Bà con bản Púng Giắt 1, xã Mường Mươn thu hoạch bí xanh (Ảnh: BBP) |
Từ tháng 5/2023, một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở bản Púng Giắt 1, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà đã chuyển đổi từ cây lúa năng suất, giá trị thấp chuyển sang liên kết với hợp tác xã (HTX) trồng cây bí xanh.
Tham gia chuỗi liên kết, trong vụ đầu, các hộ được vốn của Dự án 3 hỗ trợ từ 90 - 95% chi phí giống, phân bón, vật tư. HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Người dân góp đất sản xuất, tham gia quá trình trồng và chăm sóc cây bí. Từ việc lựa chọn cây giống, chăm sóc, phân bón hay phòng trừ sâu bệnh đều phải theo tiêu chuẩn nên người dân phải tuân thủ đúng các yêu cầu kỹ thuật để mang lại những sản phẩm có chất lượng, cung cấp cho đơn vị bao tiêu. Từ đó, vùng trồng bí sẽ được kiểm soát để hướng đến một vùng trồng ổn định. Lợi nhuận thu được được chia theo tỷ lệ người dân góp đất được hưởng 60% giá trị lợi nhuận, hợp tác xã hưởng 40%.
Đến nay, mô hình liên kết trồng bí xanh tại bản Púng Giắt 1 đã cho 10 đợt thu hoạch. Mỗi đợt cho sản lượng từ 5 - 6 tấn, doanh thu đạt khoảng 200 triệu đồng/ha/năm. Đây cũng là mô hình chuyển đổi sản xuất đầu tiên của xã Mường Mươn mang lại lợi nhuận cao cho bà con. Tiếp nối thành công của dự án trồng bí xanh ở xã Mường Mươn, dự án còn được thực hiện tại xã Ma Thì Hồ.
Các hộ đồng bào tham gia mô hình cho biết, dự án trồng bí xanh đạt hiệu quả kinh tế vượt trội so với trồng lúa. Đặc biệt, đầu ra được hợp tác xã bao tiêu toàn bộ nên bà con rất phấn khởi, tích cực mở rộng diện tích.
Với mục tiêu đa dạng các hình thức hỗ trợ chuyển đổi, thời gian qua, huyện Mường Chà đã hướng dẫn đồng bào các dân tộc thiểu số triển khai một số dự án phù hợp với vị trí địa lý và khí hậu cũng như tiềm lực của địa phương như: Dự án trồng cây sa nhân tím tại 11 xã, trên diện tích khoảng 350 ha. Dự kiến dự án có hơn 420 hộ dân tham gia, tổng nguồn vốn hỗ trợ năm 2023 ước đạt 17,125 tỷ đồng; dự án trồng cây quế tại các xã: Sá Tổng, Sa Lông, Mường Tùng, Pa Ham, Huổi Mí, Na Sang, Huổi Lèng trên quy mô diện tích khoảng 210 ha, hơn 150 hộ dân tham gia, tổng nguồn vốn hỗ trợ năm 2023 ước đạt 3,5 tỷ đồng; dự án trồng lạc tại các xã Pa Ham, Sá Tổng, Mường Tùng, Na Sang với diện tích khoảng 94 ha của hơn 380 hộ tham gia, tổng nguồn vốn hỗ trợ năm 2023 ước đạt 3,9 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, 17 dự án hỗ trợ về chăn nuôi hươu sinh sản cũng đang được các xã, thị trấn trên toàn huyện nghiên cứu triển khai theo đề xuất của cộng đồng dân cư, với số lượng khoảng 240 cặp hươu bố mẹ của 240 hộ tham gia; tổng vốn hỗ trợ năm 2023 ước đạt 13,182 tỷ đồng.
Đối với các dự án đã triển khai, UBND các xã, thị trấn kết hợp với các nhóm cộng đồng đang tích cực tổ chức nghiệm thu, thanh toán. Dự kiến đến hết ngày 31/12/ 2023, Mường Chà sẽ giải ngân nguồn vốn Dự án 3 đạt 100% kế hoạch.
Mường Chà là huyện miền núi, biên giới của tỉnh Điện Biên (Ảnh: HD) |
Những thành quả thu được trong quá trình thực hiện Dự án 3 cho thấy, Mường Chà đã phát huy được vai trò chủ thể của người dân. Bà con được đề xuất nguyện vọng, được lựa chọn chuyển đổi trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả; được liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã, tỷ lệ phân chia lợi nhuận rõ ràng sau liên kết...
Bên cạnh đó, để thu hút được sự tham gia của người dân, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng luôn được huyện Mường Chà đặt lên hàng đầu. Thông qua tuyên truyền, người dân đã tin tưởng và hưởng ứng, tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp công, của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của mình. Đó chính là yếu tố quyết định thành công của quá trình đưa Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào thực tiễn đời sống và sản xuất.
Đây cũng chính là chìa khóa thúc đẩy thành công tiến trình giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện biên giới còn nhiều khó khăn này.
Triển khai đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” của tỉnh Điện Biên cũng như triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Mường Chà đã thực hiện hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng, trong đó, chú trọng triển khai nhanh các dự án phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc. |