Điện Biên: Hỗ trợ huyện vùng cao phát triển các dự án sản xuất cộng đồng
Lạc đỏ - cây trồng hàng hóa của xã vùng cao Na Son Tuần Giáo (Điện Biên): Trồng dược liệu dưới tán rừng giúp đồng bào dân tộc đổi đời |
Tủa Chùa là một trong những huyện nghèo của cả nước với địa hình miền núi chia cắt phức tạp, chủ yếu là núi cao, độ dốc lớn, đất ruộng và đất bằng ít. Do vậy, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây còn nhiều khó khăn.
Nhận diện rõ tình hình, thời gian qua, huyện Tủa Chùa đã ưu tiên nguồn lực thực hiện các mô hình phát triển sản xuất, mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, đem lại nguồn thu ổn định cho bà con. Cụ thể như: Mô hình trồng và tiêu thụ khoai sọ tại xã Trung Thu; mô hình liên kết phát triển chè tại Sính Phình, Tả Phình, Sín Chải; mô hình nuôi vịt bầu tại xã Mường Đun; ngô ở Tủa Thàng… Đến nay, các mô hình đều được nhân rộng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã: Trung Thu, Tả Phình, Sín Chải, Tủa Thàng nói riêng và toàn huyện Tủa Chùa nói chung.
Vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng (Ảnh: Trần Ngọc) |
Trong lĩnh vực trồng trọt, huyện Tủa Chùa tập trung chuyển đổi cơ cấu từ cây có năng suất, sản lượng, chất lượng thấp sang cây có giá trị cao; thành lập các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, huyện đã xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, bước đầu mang lại hiệu quả như: Liên kết sản xuất và chế biến, tiêu thụ chè Shan tuyết của Công ty TNHH Hương Linh; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sa nhân xanh, sa nhân tím của Công ty TNHH Giống lâm nghiệp Tây Bắc...
Trong đó, các sản phẩm chè Shan tuyết của Công ty TNHH Hương Linh đã được công bố tiêu chuẩn đảm bảo, có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đặc biệt, sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP vào cuối năm 2019, sản phẩm chè Shan tuyết ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp nâng cao thu nhập cho người dân. Qua đó, góp phần tạo điều kiện để địa phương phát triển loại hình du lịch khám phá, trải nghiệm với rừng chè cổ thụ. Nhất là từ đầu năm 2022 khi 100 cây chè Shan Tuyết tại thôn Hấu Chua và Sín Chải (xã Sín Chải) được công nhận là Cây Di sản Việt Nam, lượng du khách đến tham quan, trải nghiệm càng nhiều hơn.
Đồng bào dân tộc Mông thu hoạch chè Shan tuyết (Ảnh: Nguyễn Tuyết) |
Đặc biệt, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023, huyện Tủa Chùa vừa phê duyệt 13 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng. Các dự án gồm: Hỗ trợ sản xuất lúa nếp 97; ngô lai LVN092; hỗ trợ phân bón cho các hộ trồng cây chè shan tuyết; hỗ trợ triển khai mô hình nuôi vịt bầu cổ xanh; trồng cây đào địa phương; lúa mùa; lạc chất lượng cao; nuôi cá lăng thương phẩm… Tổng số hộ tham gia mô hình được hỗ trợ sản xuất theo chuỗi là 1.000 hộ gia đình.
Trong số các dự án đã được thẩm định, phê duyệt, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao là chủ đầu tư triển khai 3 dự án, gồm: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng trồng lạc giống L14 trên địa bàn thị trấn và các xã: Mường Báng, Xá Nhè, Tả Sìn Thàng với quy mô 54 ha với 368 hộ tham gia. Dự án hỗ trợ cộng đồng phát triển cây chè shan tuyết trên địa bàn các xã: Sính Phình, Tả Sìn Thàng có quy mô 21,49 ha với tổng số 64 hộ được hỗ trợ. Dự án hỗ trợ phát triển cây đào địa phương triển khai tại địa bàn các xã: Tả Sìn Thàng, Sín Chải có quy mô 4,95 ha với tổng số 22 hộ tham gia.
Riêng trong hợp phần Tiểu dự án 2 hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2023 huyện Tủa Chùa được giao tổng kinh phí hơn 22,6 tỷ đồng. Trong đó, dự toán giao năm 2022 chuyển sang là 3,521 tỷ đồng, dự toán giao năm 2023 là 19,091 tỷ đồng.
Thời gian tới, trên cơ sở đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế của từng vùng, huyện Tủa Chùa tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn và vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong đó, chú trọng xây dựng vùng sản xuất tập trung, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển theo hướng liên kết sản xuất. Theo đó, các xã phía Bắc tập trung phát triển các loại rau củ và cây ăn quả bán ôn đới chịu được lạnh như: Su su, chanh leo, rau cải, lê Đài Loan… Các xã phía Nam tập trung phát triển các loại cây phù hợp khí hậu cận nhiệt đới như: Nhãn, mít, bưởi, cam...
Triển khai hiệu quả các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng từ kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được kỳ vọng sẽ đem lại sự đổi thay mạnh mẽ cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi vùng cao còn nhiều khó khăn này. |