Mua sắm trực tuyến tại Việt Nam: Sẽ xuất hiện nhiều xu hướng mới
Ngày hội mua sắm tại Việt Nam giúp doanh nghiệp vươn mình sau đại dịch Cẩn trọng trước tấn công mạng khi mua sắm trực tuyến |
Công ty Adsota vừa công bố báo cáo thường niên Repota 2023, trong đó nổi bật là những thông tin về xu hướng mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng Việt Nam trong thời gian tới.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+) |
Xu hướng Omni shopper (người mua sắm đa kênh)
Theo báo cáo của Repota 2023, Omni shopper vẫn tiếp tục duy trì vị trí quan trọng trong lĩnh vực mua sắm. Các kênh mua sắm phổ biến nhất hiện nay được người Việt tin tưởng lựa chọn là website thương mại điện tử với 78%, mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo,... là 42% và 47% qua ứng dụng mua sắm trên điện thoại di động.
Bên cạnh đó, theo khảo sát từ HubSpot 2023, 80% marketer cho biết người dùng có xu hướng mua hàng trực tiếp qua mạng xã hội thay vì website hoặc bên thứ 3.
(Nguồn: Repota 2023) |
Các yếu tố quan trọng khiến người tiêu dùng quan tâm khi mua sắm online bao gồm giá cả, chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng và độ tin cậy của website thương mại điện tử.
(Nguồn: Repota 2023) |
Bên cạnh đó, một số người dùng thích mua hàng từ website nước ngoài do giá cả rẻ hơn, chất lượng sản phẩm tốt hơn, thương hiệu nước ngoài và yêu cầu đặc biệt khi mua hàng online.
Mặc dù một số người lo ngại về vấn đề an toàn và bảo mật trên mạng, tỷ lệ người dùng tiếp tục mua sắm trực tuyến trên các kênh vẫn còn rất cao. Do đó, không có nghi ngờ gì về tầm ảnh hưởng của người mua sắm đa kênh trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành thương mại điện tử.
(Nguồn: Repota 2023) |
Xu hướng thanh toán phi tiền mặt
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong năm 2022 đã tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể trong 11 tháng đầu năm 2022 so với 11 tháng đầu năm 2021, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 85,6% về số lượng và 31,39% về giá trị; qua kênh Internet tăng 89,36% về số lượng và 40,55% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 116,1% về số lượng và 92,3% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 182,5% về số lượng và 210,6% về giá trị… tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.
Tính đến năm 2022, cả nước có hơn 20 ngàn cây ATM, hơn 347.000 máy POS và hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code, cho thấy xu hướng thanh toán phi tiền mặt đang ngày càng mạnh mẽ tại Việt Nam.
Xu hướng thanh toán trực tuyến này không chỉ được tích hợp trên các ứng dụng ngân hàng mà còn thu hút các nhà đầu tư xây dựng ví điện tử nhằm tạo sự thuận tiện cho người tiêu dùng.
Nổi bật có thể kể đến các ví điện tử phổ biến với lượng người dùng khổng lồ như Momo, Zalo Pay, Viettel Pay, Appota Pay, …
Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) |
Cùng với đó, tỉ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66%. Cả nước đã có khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến, từ xa qua phương thức điện tử (eKYC).
Repota 2023 cho rằng xu hướng thanh toán không tiền mặt sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới.
Bán lẻ đa kênh chiếm ưu thế bằng việc kết hợp hiệu quả giữa hình thức bán hàng online và offline
Theo khảo sát của Sapo, với 15 ngàn nhà bán lẻ là khách hàng trên toàn quốc về tình hình kinh doanh năm 2022 cho thấy 57,65% người kinh doanh tại Việt Nam có ít nhất 2 kênh bán hàng, bao gồm cửa hàng vật lý và một vài kênh trực tuyến khác. Tỷ lệ người chỉ bán hàng ngoại tuyến là 23,71% và người chỉ bán trực tuyến là 17,35%.
Nhà bán hàng đa kênh thể hiện rõ ưu thế về doanh thu so với các nhà bán hàng chỉ bán trực tiếp tại cửa hàng hoặc chỉ bán online. Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu của những nhà bán hàng đa kênh là 68,01%, trong khi tỷ lệ này ở những thương hiệu chỉ bán trực tuyến là 16,9% hoặc chỉ trực tiếp tại cửa hàng là 15,07%.
Thống kê của Metric cho biết thương mại điện tử quý I năm 2023 tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là hình thức bán hàng được ưa chuộng nhất trong năm 2022 với tỷ trọng 49,69% (trong đó qua Facebook chiếm 39,13% và qua website chiếm 9,94%).
Tik Tok Shop, tính năng mua sắm mới xuất hiện năm 2022 trên nền tảng video ngắn lớn nhất thế giới - TikTok hiện đang chiếm 1,24% thị phần chung.
Tuy nhiên, dự kiến trong năm 2023, Tik Tok Shop sẽ còn bùng nổ hơn nữa khi shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí) trên nền tảng này là một lợi thế cạnh tranh lớn nhằm tối ưu tỷ lệ chuyển đổi và gia tăng khả năng ra quyết định mua hàng nhanh chóng của người dùng.
Deloitte cho rằng trong những năm tới, bán hàng đa kênh chắc chắn sẽ là tương lai của ngành bán lẻ Việt Nam. Đặc biệt, đối với những khách hàng sống tại các thành phố, họ có xu hướng yêu thích việc mua sắm đa kênh rõ ràng hơn.
Theo dự đoán của báo cáo, trong những năm tới xu hướng phát triển mạnh mẽ nhất của ngành bán lẻ là mở rộng kênh bán hàng, đưa các sản phẩm của thương hiệu lên các "mặt trận" kinh doanh khác nhau và tận dụng sức mạnh của các nền tảng trực tuyến.
Những người mua hàng bán lẻ sẽ trở thành "khách hàng số" và sẽ tiếp tục duy trì hoặc gia tăng mức độ sử dụng các sàn thương mại điện tử và nền tảng mua sắm trực tuyến.
Bên cạnh đó, hoạt động bán hàng kết hợp với giải trí, phát sóng trực tiếp (live streaming) hoặc các sản phẩm có can thiệp, được giới thiệu bởi các nhà sáng tạo nội dung (content creator) sẽ phát triển mạnh mẽ trên đa dạng các kênh bán hàng.
Shoppertainment (Mua sắm kết hợp giải trí) trở thành xu hướng dẫn đầu đường đua thương mại điện tử
Theo báo cáo Future of Commerce 2022 của TikTok, thị trường mua sắm giải trí dự kiến sẽ đạt 100 tỷ USD trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APAC) vào năm 2025.
Cụ thể, tổng giá trị hàng hóa của ngành thương mại điện tử sẽ tăng trưởng từ 500-700 tỷ USD trong giai đoạn năm 2022-2025. Mặt khác, cũng trong thời điểm này, tổng giá trị hàng hóa từ hoạt động mua sắm giải trí tăng trưởng từ 24-100 tỷ USD.
Đặc biệt, Việt Nam là 1 trong 6 thị trường trọng điểm có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về mua sắm giải trí thuộc khu vực APAC bên cạnh Australia, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan. Các ngành hàng tăng trưởng mạnh nhất bao gồm thời trang, làm đẹp, thực phẩm và thiết bị điện tử.
Thị trường mua sắm kết hợp giải trí có tốc độ phát triển mạnh mẽ như vậy nhờ có những thay đổi trong xu hướngcủa khách hàng, đặc biệt là nhờ khả năng thích ứng với công nghệ của họ.
Người sử dụng các nền tảng mạng xã hội hay thương mại điện tử hiện nay khao khát những nội dung chứa thương hiệu thực tế, đúng đắn và tạo nhiều cảm xúc bằng những trải nghiệm gắn kết.
Nghiên cứu được khảo sát trong khu vực APAC về hoạt động mua sắm giải trí cho thấy 82% khách hàng sẵn sàng mua sản phẩm từ một thương hiệu mà họ hiếm khi sử dụng và 55% khách hàng đã đưa ra những quyết định mua sắm mà không có kế hoạch trước.
Sau khi xem các video giới thiệu hoặc có liên quan đến sản phẩm trên nền tảng TikTok, 89% khách hàng tạo ra các quyết định mua sắm không có kế hoạch trước.
Ngoài ra, một nửa số người dùng Tik Tok thừa nhận rằng họ tìm kiếm các thương hiệu và sản phẩm mới trong khi sử dụng ứng dụng này. Đặc biệt, 1/3 khách hàng muốn được trải nghiệm quá trình mua sắm vui vẻ và giải trí.
Xu hướng D2C (Direct-to-Customer) và Omni-channel
D2C hay gọi là phương thức phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng đang trở thành một trong những xu hướng thị trường nổi bật trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong lĩnh vực sản phẩm tiêu dùng nhanh (Fast Moving Consumer Goods - FMCG) như thực phẩm, đồ uống, chăm sóc sức khỏe và làm đẹp.
Khi hình thức mua sắm trực tuyến dần lấn át hình thức mua bán truyền thống, tỷ lệ người dùng mua sắm trên các nền tảng số không ngừng tăng.
Theo báo cáo của PwC, 65% người tiêu dùng nói rằng họ rất coi trọng sự tiện lợi, vì thế mà trải nghiệm đa kênh trở thành xu hướng mới vào năm 2023.
Nhìn nhận thực tế cho thấy khi hình thức bán hàng thông qua livestream, KOL (người nổi tiếng), KOC (người tiêu dùng chủ chốt),... phủ sóng mạnh mẽ thì xu hướng D2C và Omni-channel sẽ tăng cao, khách hàng sẽ dần tập trung mua bán thông qua các kênh của KOL, KOC mà "bỏ quên" các đơn vị trung gian.
Một KOC đang trải nghiệm sản phẩm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) |
Do vậy, làn sóng này cũng đã "gửi tín hiệu đe dọa" đến các kênh phân phối khi người dùng tin tưởng và ủng hộ KOC nhờ các chính sách giá tốt, tiện lợi cho việc mua hàng. Điều này khiến không ít bộ phận người tiêu dùng cho rằng chính những đơn vị kết nối thương hiệu với người dùng cần phải linh hoạt thay đổi để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Theo Adsota nhận định để hoạt động kinh doanh hiệu quả và bền vững cần có sự cân bằng giữa kênh bán buôn (wholesale) và các kênh D2C nhằm tận dụng lợi thế của cả 2 kênh để tăng cường mức độ tương tác với khách hàng, tối ưu doanh thu và lợi nhuận.
Chatbot sẽ trở thành kênh dịch vụ khách hàng chính trong 5 năm tới
Theo Statista, tốc độ phát triển E-Commerce tại Việt Nam đạt hơn 20% trong năm 2022. Dự kiến, đến năm 2025 con số này có thể lên đến 29% với giá trị lên đến 234 tỷ USD.
Cùng với đó, trong năm 2022, sự phát triển của công nghệ đã trở thành xu hướng quan trọng trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam. Các ông lớn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, và Tiki đã đầu tư vào công nghệ mới như AI, VR/AR, chatbot để tăng cường trải nghiệm người dùng và cải thiện tính tương tác giữa khách hàng và doanh nghiệp.
Một ví dụ ứng dụng công nghệ phổ biến nhất trong việc giao tiếp với người mua hàng là Chatbot. Chatbot là một ứng dụng dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) giúp doanh nghiệp trả lời tự động các câu hỏi của khách hàng và cung cấp hỗ trợ cho khách hàng trong quá trình mua hàng. Trên toàn thế giới, năm 2022, có tới 88% người dùng Internet đã từng tương tác với Chatbot.
Trong vòng 5 năm tới, Chatbot được dự đoán sẽ trở thành kênh dịch vụ khách hàng chính cho khoảng 1/4 doanh nghiệp toàn cầu. Chi tiêu bán lẻ của người tiêu dùng toàn cầu thông qua Chatbot sẽ đạt 142 tỷ USD năm 2024 (báo cáo của Insider Intelligence).
Nghiên cứu của Juniper Research cũng chỉ ra rằng xu hướng Chatbot được ứng dụng trong bán lẻ vẫn sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ và ngày càng phổ biến hơn trong năm 2023 tới./.