Mozambique tới Việt Nam học hỏi kinh nghiệm phát triển hợp tác xã
Hỗ trợ thành lập mới 750 hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành Chính thức nâng cấp FTA ASEAN-Trung Quốc 3.0: Hợp tác xây dựng tâm điểm tăng trưởng |
Được dẫn đầu bởi SOCODEVI - một Tổ chức phi Chính phủ của Canada và được tài trợ bởi Bộ toàn cầu Canada (GAC), Đoàn công tác gồm các đại diện tới từ Cao ủy Canada tại Mozambique, các Bộ, ngành của Mozambique như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp, Bộ về Giới, Trẻ em và Hành động xã hội, cùng các đại diện của SOCODEVI.
Diễn ra trong bối cảnh dự án Phát triển Hợp tác xã Việt Nam (VCED) do GAC tài trợ, và SOCODEVI đồng thực hiện, vừa kết thúc với nhiều kết quả vượt kỳ vọng của Việt Nam, chuyến thăm của Đoàn Mozambique rất có ý nghĩa trong việc lan tỏa những kinh nghiệm quý báu của Việt Nam trong phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Đồng thời cũng cho bạn bè thế giới thấy được chặng đường thay đổi lớn về kinh tế xã hội, cũng như nền kinh tế hợp tác, hợp tác xã của Việt Nam, kể từ khi những chuyên gia Canada đến hỗ trợ phong trào này (thông qua Dự án nâng cao đời sống nông thôn, do GAC tài trợ và SOCODEVI đồng thực hiện vào năm 2002).
Đoàn công tác Mozambique tham quan, học hỏi kinh nghiệm phát triển hợp tác xã tại Việt Nam |
Cùng với việc gặp gỡ, làm việc với các Bộ ngành chức năng của Việt Nam, trong chuyến công tác kéo dài 1 tuần từ ngày 19 đến ngày 24/2, Đoàn công tác Mozambique cũng đã có buổi gặp gỡ với Liên minh hợp tác xã Việt Nam, cùng một số hợp tác xã điển hình theo mô hình mới như Hợp tác xã Rạch Lọp tỉnh Trà Vinh và những hợp tác xã được thành lập dưới sự hỗ trợ của Canada như: Hợp tác xã chè Tân Hương ở tỉnh Thái Nguyên, hợp tác xã Bưởi da xanh Bến Tre, hợp tác xã nho Evergreen Ninh Thuận.
Theo bà Júlia Fernando - Giám đốc điều hành của Hiệp hội thúc đẩy chủ nghĩa hợp tác hiện đại Mozambique, qua chuyến đi lần này, bà nhận thấy giữa các hợp tác xã và thành viên của họ có một sự cam kết rất chắc chắn. Mozambique có thể học hỏi được nhiều từ Việt Nam như làm sao toàn bộ các cơ quan Chính phủ thấm nhuần tư tưởng hợp tác xã, làm sao để toàn xã hội cùng tham gia vào việc phát triển khu vực kinh tế hợp tác, làm sao để kêu gọi sự chung tay của tất cả các bên để giúp người nông dân thoát nghèo, từ đó phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Cũng trong chuyến thăm này, Đoàn có buổi giao lưu học hỏi kinh nghiệm về đào tạo nhân lực cấp cao cho hợp tác xã với Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II, đối tác lâu năm của SOCODEVI tại Việt Nam.
Tại buổi giao lưu, ông Nguyễn Trung Đông - Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II - chia sẻ: Nguồn nhân lực có chất lượng là một trong những yếu tố thành công bền vững của hợp tác xã. Các chương trình đào tạo cần được thiết kế hài hòa giữa lý thuyết và thực hành. Nội dung đào tạo gắn với nhu cầu và vai trò của từng đối tượng như: Ban sáng lập, Hội đồng quản trị, ban kiểm soát, thành viên hợp tác xã và nghiên cứu thực tế là cơ sở quan trọng để thiết kế chương trình.
Ngoài ra, theo ông Đông, hoạt động tư vấn sau đào tạo cũng vô cùng cần thiết. “Chúng tôi đánh giá rất cao chương trình đào tạo "Tuổi trẻ khởi nghiệp bằng mô hình hợp tác xã" do SOCODEVI cùng thiết kế với chúng tôi. Chúng tôi tự hào với mối quan hệ hợp tác lâu dài với SOCODEVI”- ông Đông cho biết.
Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - đánh giá: Thông qua Tổ chức SOCODEVI, Chính phủ Canada đã có đóng góp rất lớn đối với ngành nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là về lĩnh vực tổ chức nông dân, phát triển hợp tác xã hoặc xây dựng các ngành hàng nông sản. “Chúng tôi rất mong Chính phủ Canada và SOCODEVI sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trên con đường phát triển hợp tác xã cũng như xây dựng các tổ chức nông dân; tiếp tục chia sẻ với chúng tôi kinh nghiệm phát triển mô hình hợp tác xã từ các nước trên thế giới, đặc biệt là các mô hình của Canada”- ông Thịnh cho biết thêm.