Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giúp đất đai thành nguồn lực phát triển bền vững
Kịch bản nào cho thị trường bất động sản năm 2024? Đất nền bất ngờ đắt khách Trùm bất động sản Capel bị bắt: Thêm một “cái chết” được báo trước và lời cảnh báo cho nhà đầu tư |
Ngày 18/1, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), một văn bản quy phạm pháp luật gồm 16 chương và 260 điều, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2025. So với Luật hiện hành, Luật Đất đai sửa đổi 2024 mang đến nhiều nhóm vấn đề mới, tập trung vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
Chia sẻ với Báo Công Thương ngày 23/1, chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, những sửa đổi của Luật Đất đai sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết nút thắt pháp lý, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản và ngăn chặn đầu cơ.
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, những điều khoản trong dự thảo luật đã được xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng, với sự đóng góp đa dạng từ các tầng lớp nhân dân và đoàn thể. Điều này giúp Luật Đất đai (sửa đổi) phản ánh đầy đủ và cụ thể nhu cầu, mong muốn của người dân, từ quyền sở hữu đến quá trình mua bán.
PGS. TS Thịnh nhấn mạnh rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ thỏa mãn những mong muốn cụ thể của các tầng lớp dân cư và tuân theo Hiến pháp và luật pháp của Việt Nam. Điều này không chỉ giúp giải quyết các vấn đề thực tế mà còn tạo ra một cơ sở vững chắc để đất đai trở thành một nguồn lực thực sự trong phát triển kinh tế xã hội.
Đồng thời, PGS. TS Thịnh lưu ý rằng sự quản lý chặt chẽ từ Nhà nước trong các hoạt động mua bán, chuyển nhượng, thu hồi đất đai sẽ đảm bảo quyền lợi của các bên một cách hợp lý và công bằng. Điều này giúp ngăn chặn các hình thức đầu cơ không lành mạnh và duy trì sự ổn định trong thị trường bất động sản.
“Về cơ bản, Luật Đất đai sửa đổi thỏa mãn được những mong muốn của các tầng lớp dân cư, phù hợp Hiến pháp, luật pháp, giúp giải quyết được các vướng mắc trong thực tiễn, từ đó hướng đến việc làm cho đất đai trở thành nguồn lực thực sự trong phát triển kinh tế xã hội”, ông Thịnh nói.
Chuyên gia kỳ vọng Luật Đất đai sửa đổi sẽ giúp đất đai thành nguồn lực phát triển bền vững kinh tế xã hội. Ảnh minh họa |
Đồng quan điểm, theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật và đất đai, việc sửa đổi Luật Đất đai hứa hẹn mở ra một giai đoạn mới cho pháp lý, giúp tháo gỡ những ràng buộc đối với thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Ông Trần Văn Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), cho rằng luật này sẽ giúp cởi trói pháp lý và tạo đà cho sự phát triển tích cực của thị trường bất động sản. Theo ông Bình, việc điều chỉnh nhiều điều khoản trong luật này hướng tới bảo vệ lợi ích tối đa cho người dân. Những người sở hữu đất đai thuộc diện cần phải thu hồi sẽ được hưởng mức giá đền bù gần với giá giao dịch trên thị trường, nhằm đảm bảo rằng họ không bị thiệt thòi.
Trong bối cảnh mới, Nhà nước phải cấp giấy chứng nhận cho người dân thuộc diện được cấp giấy chứng nhận. Đây là những điểm mấu chốt để khơi thông việc cấp giấy chứng nhận cũng như tạo điều kiện cho các dự án đất ở, đất thương mại đi vào hoạt động. Các địa phương cũng sẽ gặp thuận lợi trong đấu thầu dự án sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận cho dự án xây dựng nhà ở. Ông Bình nhấn mạnh, nếu quá trình tháo gỡ pháp lý diễn ra hiệu quả, thị trường bất động sản sẽ trở nên minh bạch hơn, đảm bảo giá giao dịch phản ánh đúng giá trị thực tế.
Cơ chế mới cũng được kỳ vọng sẽ giảm thiểu quan hệ "xin - cho", tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp bất động sản. Các doanh nghiệp có chiến lược và quyết tâm thực hiện sẽ dễ dàng tiếp cận đất đai, giảm chi phí phát triển dự án, từ đó giúp giảm áp lực lên giá bất động sản, mang lại một thị trường có giá trị thực tế hơn.
Theo chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu, HoREA hoan nghênh việc thông qua Luật Đất đai sửa đổi, đặc biệt là những điểm nổi bật mà HoREA đánh giá là tích cực, có tác động lớn đến thị trường bất động sản và phát triển kinh tế.
Một trong những điểm mạnh được ông Châu đánh giá cao là việc mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân, không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sử dụng đất nông nghiệp, đồng thời thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp và tạo ra tác động tích cực đối với cả nền kinh tế và thị trường bất động sản trong quá trình đô thị hóa và phát triển khu dân cư nông thôn.
Ông Châu cũng lưu ý rằng Luật Đất đai sửa đổi đã chi tiết hóa quy định về việc giao đất và cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đặc biệt là đất sạch do Nhà nước tạo lập. Điều này đảm bảo lợi ích của người sử dụng đất bị thu hồi đất, đồng thời giúp nhà đầu tư có cái nhìn rõ ràng về chi phí và thời gian thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong quá trình đầu tư.
Ông Châu tỏ rõ niềm tin rằng Luật Đất đai sửa đổi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư và phát triển các dự án sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực như công nghiệp, công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, các cơ sở sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ, giáo dục, y tế, du lịch...
"Hiệp hội hoan nghênh Luật Đất đai sửa đổi đã bỏ khung giá đất và quy định bảng giá đất. Theo đó, bảng giá đất được xây dựng hằng năm và bảng giá đất lần đầu được công bố, áp dụng từ ngày 1/1/2026, được điều chỉnh từ ngày 1/1 của năm tiếp theo sẽ giúp cho bảng giá đất tiệm cận giá đất thị trường", ông Châu nhấn mạnh.
Chia sẻ với báo chí, GS. TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng nhận định, Luật Đất đai sửa đổi lần này mở ra nhiều cách tiếp cận đất đai cho các dự án. Trong những năm qua, các dự án rất khó tiếp cận đất đai không phải do chúng ta cố tình gây khó mà một số quy định thực sự chưa rõ ràng. Ví dụ: phương thức xác định loại đất, dự án nào được giao đất; dự án nào phải thông qua đấu thầu, đấu giá, cơ chế xác định giá đất đấu thầu ra sao... Luật lần này về cơ bản đặt ra các phương thức đó tương đối tường minh. “Khi Luật Đất đai sửa đổi được thông qua thì các doanh nghiệp sẽ có phương thức tiếp cận đất đai một cách thuận lợi hơn. Khi đó, nguồn cung có thể sẽ tăng lên, giải quyết tình trạng khan hiếm nhà ở. Tuy nhiên, nguồn cung này cũng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như năng lực nhà đầu tư, chính sách về tài chính khác”, ông Cường nói. |